Ý nghĩa, giải quẻ Lôi Hỏa Phong, Quẻ dịch số 55 – Kinh Dịch

2
9231

Quẻ Lôi Hỏa Phong báo hiệu một thời kỳ may mắn, thành công, bậc quân tử không được ngủ quên trên chiến thắng là tư tưởng quẻ Lôi Hỏa Phong.

Phúc lớn nhưng họa cấy mầm ngay.

Giữ đạo trung dung sẽ trọn đầy.

Thời vượng tột cùng lên hết đỉnh.

Nhật trung tất trắc, ý trời đây!

Thượng quái là Chấn (sấm). Hạ quái là Ly (lửa). Quẻ có tên là Lôi Hỏa Phong

Có thể bạn cần xem thêm Quẻ Bát Thuần Càn – Càn Vi Thiên

Hoặc tham khảo thêm     Quẻ Phong Sơn Tiệm

Giải nghĩa quẻ Lôi Hỏa Phong số 55

Quẻ Lôi Hỏa Phong, quẻ thượng Chấn có tượng là đường lớn, quẻ hạ Ly có tượng là căn nhà trống. Hào 3, 4, 5 tạo thành quẻ hỗ Đoài có tượng là cái miệng, là ăn uống vui vẻ. Hào 2, 3, 4 tạo thành quẻ hỗ Tốn có tượng là nhập vào. Nhà trống ở bên đường lớn, có thể vào đó ăn uống vui vẻ ngon lành, suy ra quẻ Lôi Hỏa Phong có tượng nhà hàng, tửu lâu.

Theo Thuyết văn, Phong là phong mãn, vật đựng đầy đậu. Nhìn hình chữ Phong trên giáp cốt văn, kim văn là vật chứa đầy châu báu, nên nghĩa gốc của Phong là phong phú, giàu có, có nhiều. Nhà hàng, tửu lâu có đủ các món ăn chơi, đúng là phong phú đa dạng.

Thoán từ quẻ Lôi Hỏa Phong

Thoán từ quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Phong. Hanh. Vương giả chi. Vật ưu. Nghi nhật trung. (豐 . 亨 . 王 假 之 . 勿 憂 . 宜 日 中)

Dịch nghĩa: Quẻ Lôi Hỏa Phong: Hanh thông, vua đến tận nơi để cử hành lễ tế tự tại tông miếu, không có gì lo lắng, nên cử hành tế tự vào lúc chính ngọ.

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Quẻ Lôi Hỏa Phong tượng trưng cho sự to lớn, hanh thông, giống như đấng quân vương có đức có thể đạt đến tầm vóc vĩ đại, không cần phải lo nghĩ, giống như mặt trời giữa trưa, phải giữ gìn ánh sáng rực rỡ. (Phong quái tượng trưng phong doanh thạc đại, hanh thông, hữu đức quân vương khả dĩ đạt đáo phong doanh thạc đại đích cảnh giới, bất tất ưu lự, nghi ư tượng thái dương vị cư trung thiên nhất dạng bảo trì sung doanh đích quang huy).

Wilhelm dịch: Sự phong thịnh có thành công. Nhà vua đạt đến đó. Đừng lo buồn. Hãy giống như mặt trời giữa trưa.

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch) dịch: Phong, cử hành tế tự, nhà vua nên đích thân đến tận nơi, có nguy nan cũng đừng lo, thời gian hưởng tế nên đúng vào giữa trưa. (Phong, cử hành tế tự, vương tu thân chí kỳ xứ, hữu nguy nan bất dụng ưu sầu, hưởng tế đích thời gian nghi tại chính ngọ).

Vương Bật giảng “vương giả chi” 王 假 之 “nơi vua đến” (vương chi sở chí). Lý Đỉnh Tộ cũng dẫn Ngu Phiên giảng “giả” là “đến” (giả chí dã 假 至 也).

Lời tượng quẻ Lôi Hỏa Phong

Lời tượng quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Lôi điện giai chí. Phong. Quân tử dĩ triết ngục trí hình. (雷 電 皆 至 . 豐 . 君 子 以 折 獄 致 刑)

Dịch nghĩa: Sấm chóp cùng đến, đó là hình tượng quẻ Lôi Hỏa Phong. Quân tử theo đó xử án công minh và thi hành hình phạt nghiêm túc.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Thượng Chấn hạ Ly
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Thượng Chấn hạ Ly

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Sấm và chớp cùng đến, tượng trưng cho sự uy minh vĩ đại. Người quân tử nhân đó noi theo sự uy chấn quang minh của sấm sét để xét xử án ngục và thi hành hình phạt. (Lôi thanh hòa điện quang nhất khởi đáo lai, tượng trưng uy minh chi đức, phong doanh thạc đại, quân tử nhân thử hiệu pháp lôi đích uy chấn hòa quang minh thẩm lý tụng ngục, động dụng hình phạt).

Wilhelm dịch: Cả sấm chớp cùng đến, là hình tượng phong thịnh. Theo đó người quân tử quyết định án kiện và thi hành hình phạt.

Kim Cảnh Phương giảng “chiết ngục” 折 獄 là “tra xét và xử án” (thẩm
phán án kiện) và “trí hình” 致 刑 là “vận dụng hình phạt” (động dụng hình phạt.)

Khổng Dĩnh Đạt bình luận: Sấm là uy động của trời, chớp là ánh quang huy của trời. Sấm và chớp cũng xuất hiện tức là uy và minh đầy đủ. Đó là “Phong” vậy. Xét xử án kiện phải phân biệt được tình huống thật giả. Dùng hình phạt cũng phải cân nhắc dung hòa nặng nhẹ. Nếu nặng mà không công minh tức là lạm dụng công lý, nên người quân tử theo tượng quẻ Lôi Hỏa Phong mà xử án và vận dụng hình phạt. (Lôi giả, thiên chi uy động. Điện giả, thiên chi quang diệu. Lôi điện câu chí, uy minh bị túc, dĩ vi phong dã. Đoán quyết ngục tụng tu đắc hư thực chi tình, trí dụng hình phạt tất đắc khinh trọng chi trung, nhược động nhi bất minh, tắc dâm lạm tư cập, cố quân tử tượng ư thử quái, nhi chiết ngục trí hình).

Khổng Dĩnh Đạt đã nêu đúng tinh thần luật pháp trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh vậy.

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Sơ Cửu

Lời hào Sơ Cửu quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Sơ Cửu. Ngộ kỳ phối chủ. Tuy tuần vô cữu. Vãng hữu thượng. (遇 其 配 主 . 雖 旬 無 咎 . 往 有 尚)

Dịch nghĩa: Hào Sơ Cửu quẻ Lôi Hỏa Phong là hào Dương: Gặp được người phối hợp, kết thành vợ chồng, gieo quẻ bói hỏi thì quẻ nói không có hại gì, cứ tiến hành hôn nhân, còn được mọi người tán thưởng nữa.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Sơ Cửu
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Sơ Cửu

Giải thích:

Quách Dương giảng “phối chủ” 配 主 là “người chủ phối hưởng trong buổi lễ tế tại tông miếu đời Ân” (Ân nhân tông miếu trung phối hưởng đích nhân ).

“Tuần” 旬 là đơn vị tính thời gian thời Ân: mỗi tháng có 3 tuần (Ân nhân dĩ mỗi nguyệt vi tam tuần ).

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ giảng “phối chủ” là người chủ phối hợp với mình, chỉ hào Cửu Tử” (tương thất phối chi chủ, chỉ cửu tứ).

Lục Đức Minh giảng “tuần” là “bằng nhau” (tuần, quân dã 旬 均 也). Kim Cảnh Phương cũng theo cách giảng này. Từ Tử Hùng giảng “phối chủ” 配 主 là “nữ chủ nhân” vì ông theo Trịnh Huyền cho rằng chữ “phối” phải viết với bộ Nữ bên phải 妃(còn đọc là phi ).

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Gặp gỡ người phối chủ, cho dù hai bên dương đức bằng nhau, cũng không có gì tai hại, tiến đến ắt được tôn trọng. (Ngộ hợp tương thất phối chi chủ, lưỡng giả dương đức quân đẳng dã bất trí cữu hại, tiền vãng tất thụ tôn thượng).

Wilhelm dịch: Khi một người gặp được người cai trị mình đúng như định mệnh an bài, hai bên có thể ở chung mười ngày. Và đó không phải là một lỗi lầm. Ra đi gặp được sự thừa nhận.

Lý Kính Trì cho rằng “tuần” 旬 đúng ra phải có thêm bộ Nữ bên phải, có nghĩa là chuyện nam nữ kết hợp. Từ Tử Hùng theo cách giảng này nên dịch câu trên như sau: Trên đường đi gặp được sự chiêu đãi của nữ chủ nhân, cũng với vị nữ nhân này kết thành vợ chồng. Bói toán đều có kết quả rõ ràng: không bị ai nghị luận gì cả, mà còn được mọi người tán thành. (Lữ đồ chi trung thụ đáo nhất vị nữ chủ nhân đích tiếp đãi, dự giá vị nữ nhân kết thành phu phụ. Chiêm bốc kết quả hiển vân: bất hội tao nhân nghị luận, nhi thả năng đắc đáo nhân môn đích tán đồng).

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch) dịch: Tình cờ gặp nữ chủ nhân của anh ta, trong vòng mười ngày không có tai họa gì, tiến về phía trước chắc có thưởng” (Ngộ kiến tha đích nữ chủ nhân, tuy hữu tại thập nhật chi nội vô tai hoạn, tiền vãng tắc đắc thưởng).

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Lục Nhị

Lời hào Lục Nhị quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu. Vãng đắc nghi tật. Hữu phu phát nhược. Cát. (豐 其 蔀 . 日 中 見 斗 . 往 得 疑 疾 . 有 孚 發 若 . 吉)

 Dịch nghĩa: Hào 2 quẻ Lôi Hỏa Phong là hào Âm: Phong đô khi có nhật thực, ánh sáng mặt trời bị che mờ, thấy cả sao Bắc Đẩu hiện ra, nếu ra đi, coi chừng bệnh lạ đã mắc lại tái phát, mọi người (thấy nhật thực) đều sợ hãi vô cùng, nhưng gieo quẻ bói hỏi thì quẻ nói không sao, mọi sự tốt lành.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Lục Nhị
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Lục Nhị

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ giảng “bộ” 蔀 tức là “tế” 蔽 (chướng ngại). “Đẩu” ” là “sao Bắc Đẩu”. Vương Bật cho rằng “bộ” là vật che ánh sáng (Phúc, ái, chướng quang minh chi vật dã). Tiêu Tuần trong Chu Dịch bổ sớ cũng dùng ba chữ “phúc, ái, chướng” 覆, 曖, 障 “để giải thích chữ “bộ” 蔀. Kim Cảnh Phương giảng “bộ” 蔀 là “mông tế” 蒙 蔽 (che tối). “Phong kỳ bộ” 豐 其 蔀 ý muốn nói đây là thời phong thịnh, đúng ra phải có ánh sáng rực rỡ, nhưng lại bị che mờ” (Đáng phong đích thời hậu, bản ưng thị quang minh đích, nhiên nhi quang minh khước thụ đáo mông tế).

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Sự phong thịnh vĩ đại bị che khuất, như vầng thái dương giữa buổi trưa lại xuất hiện sao Bắc Đẩu. Tiến tới thì lo bị nghi kị. Nếu có thể tự mình phát huy được lòng thành tín thì sẽ được may mắn” (Phong đại chướng tế dĩ yểm cái quang minh đích chướng tế , do như thái dương chính đương trung thiên khước xuất hiện đẩu tinh, vãng tiền tất hữu bị sai nghi đích tật hoạn, nhược năng tự ngã phát huy thành tín, đắc khả hoạch cát tường

Wilhelm dịch: Bức màn che dày đến nỗi sao Bắc Đẩu có thể nhìn thấy giữa trưa. Ra đi gặp phải nghi ngờ ghét bỏ. Nếu có thể làm cho ông ta tin tưởng thì sẽ gặp may mắn.

Shanghnessy dịch: Làm phong phú thêm bức màn của mình, giữa buổi trưa có thể nhìn thấy sao Bắc Đẩu, ra đi bị mắc bệnh nghi ngờ,có sự trở về giống như rò rỉ. Bản dịch này không đúng.

Đặng Cầu Bá đưa ra một giả thuyết độc đáo: Phong 豐 đây không có nghĩa là “phong thịnh” như hầu hết các học giả đã giải thích. Ông cho rằng “Phong” chỉ “Phong Kinh” hay “Phong Đô” là quốc đô của triều Chu (Giá lý cái vị Chu triều đích quốc đô Phong Kinh) vị trí địa lý hiện nay tại tỉnh Thiểm Tây. Ông chấm câu lại như sau: “Phong, kỳ phẫu nhật trung, kiến đẩu, vãng. Đắc nghi tật, hữu phục, hức nhược”.

“Phẫu” 剖 là “phân minh” 剖 明. “Phong, kỳ phẫu nhật trung” 豐 其 剖 日 中 có nghĩa là “Phong Đô vào lúc giữa trưa có thể nhìn thấy rất rõ” (Phong đô tại chính ngọ đích thời hậu khán đắc phân minh.

“Kiến đẩu, vãng” 見 斗, 往 là “khi bầu trời đầy sao lúc gần tối Phong Đô chìm đắm trong màn đêm” (Tại phồn tinh mãn thiên đích bàng vãn phong đô tựu tiêu tức tại dạ mạc chi trung liễu).

“Đắc nghi tật” 得 疑 疾 Lý Kính Trì giảng là “đắc quái tật” 得 怪 疾, Đặng Cẩu Bá cũng giảng là “sinh quái tật” 生 疑 疾 .

“Hữu phục” 有復 là tái phát một lần nữa (hựu nhất thứ phục phát).

“Hức nhược” 洫 若 không hề có nghĩa “rò rỉ” như Shaughnessy đã hiểu lầm mà là “hức nhiên” 洫 然 diễn tả “nét mặt kinh sợ” (kinh khủng mạo).

Chúng tôi theo cách giải thích này, nhưng không đồng ý cách chấm câu của Đặng Cầu Bá. Có lẽ hiện tượng “nhật trung kiến Đẩu” (trong mặt trời nhìn thấy sao Bắc Đẩu) ám chỉ hiện tượng nhật thực nên được tác giả Kinh Dịch lưu ý ghi lại.

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Cửu Tam

Lời hào Cửu Tam quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Phong kỳ bái. Nhật trung kiến muội. Chiết kỳ hữu quăng. Vô cữu. (豐 其 沛 . 日 中 見 昧 . 折 其 右 肱 .  無 咎)

Dịch nghĩa: Trong quẻ Lôi Hỏa Phong, hào Cửu Tam là hào Dương: Phong đô trời đột nhiên đổ mưa, giữa ban ngày thấy sao nhỏ, té gãy tay phải, gieo quẻ bói hỏi thì quẻ nói không sao.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Cửu Tam
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Cửu Tam

Giải thích:

Vương Bật giảng “bái” 沛 là “tấm màn dùng để che nắng gắt” (Bái, phan mạn dã, sở dĩ ngự thịnh quang dã) còn “muội” 昧 là “ánh sáng yếu ớt” (vi muội chi minh dã). Từ Tử Hùng giảng “muội” là “quỉ quái” 鬼 怪. Cửu Gia Dịch do Quách Dương dẫn lại giảng “bái” 沛 là “hết sức ảm đạm” (đại ám vị chi bái). Kim Cảnh Phương giảng “muội” 昧 là “ngôi sao cực nhỏ” (cực tiểu đích vô danh tiểu tinh). “Quăng” 肱 Từ Tử Hùng giảng là “cánh tay” (thủ tý).

“Phong kỳ bái” 豐 其 沛 theo Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ giảng là “giữa trưa thấy ánh nắng yếu ớt”.

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Bức màn to lớn che mất ánh sáng giống như mặt trời đang ở giữa trời lại xuất hiện một ngôi sao nhỏ. Nếu biết nén mình thận trọng giữ gìn thân thể như cắt đứt mất cánh tay phải, thì không có gì tai hại” (Phong đại yểm già quang minh đích phan mạn do như thái dương chính dương trung thiên khước xuất hiện tiểu tinh, nhược năng tượng chiết đoạn hữu tí nhất dạng khuất kỷ thận thủ, tắc bất trí cữu hại).

Wilhelm dịch: Lùm cây dày đặc (che khuất ánh sáng mặt trời) đến nỗi những ngôi sao nhỏ có thể trông thấy giữa trưa. Anh ta bị gãy cánh tay phải. Không có lỗi.

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch) dịch: “Ánh sáng mặt trời bị một đám mây chim bay qua che lấp, trời bỗng nhiên đổ mưa, giữa trưa có thể nhìn thấy ngôi sao nhỏ, có người không thận trọng trượt ngã gãy cả tay phải, nhưng chữa lành được không có gì tai hại” (Nhật quang bị điểu vân phúc cái, bái nhiên hạ vũ, chính ngọ năng khán tiểu tinh, hữu nhân bất thận hoạt đảo chiết kỳ hữu tý, trị dũ nhi vô tai hoạn).

Vấn đề là bản Bạch Thư Chu Dịch chép quá khác với bản truyền thống: Phong kỳ phiền, nhật trung kiến mạt, chiết kỳ hữu cung, vô cữu (豐 其 煩 . 日 中 見 茉 . 折 其 右 弓 . 无 咎).

Đặng Cầu Bá giảng “phiền 煩 là tên một loại hoa, cũng như mạt” 茉 là hoa nhài (mạt lợi). Ông dịch câu trên là: Hoa lá xanh tốt nơi Phong đô, hoa nhài khắp nơi trên mặt đất, có thể bẻ hoa có dùng tế cung tên. Gieo quẻ hỏi cỏ thi được quẻ cho biết không có tai hại gì? (Phong đô đích phiền thảo mậu thịnh, mạt lợi hoa biến địa, chiết tư hoa thảo dĩ tế cung tiễn.Vấn thi đắc vô hữu tai cữu chi chiêm).

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Cửu Tứ

Lời hào Cửu Tứ quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu. Ngộ kỳ di chủ. Cát. (豐 其 蔀 . 日 中 見 斗 . 遇 其 夷 主 .吉)

Dịch nghĩa: Quẻ Lôi Hỏa Phong hào Cửu Tứ là hào Dương: Phong đô bị nhật thực che mờ, giữa trưa nhìn thấy được sao Bắc Đẩu, gặp được dị nhân, gieo quẻ bói hỏi thì quẻ nói tốt lành.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Lục Tứ
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Lục Tứ

Giải thích:

Hào này giống như hào Lục Nhị nên không cần giải thích thêm phần đầu “phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu”. Một điều lạ là Phan Bội Châu cũng như Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ, Kim Cảnh Phương, TốngTộ Dận đều không nhận thấy sự giống nhau này. Họ cứ tiến hành giải thích như thể đây là hai chuyện khác nhau. Sự gò ép vào học thuyết âm dương khiến các học giả này không cần quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ.

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Chướng ngại to lớn che khuất ánh sáng ,giống như mặt trời giữa trưa lại xuất hiện sao Bắc Đẩu, nhưng có thể gặp và hợp với người chủ có dương đức cân bằng lẫn nhau, may mắn ” (Phong đại yểm đảng quang minh đích chướng tế, do như thái dương chính đương trung thiên khước xuất hiện đẩu tinh, đán năng ngộ hợp dương đức tương bình hành chi chủ, cát tường).

Hai Ông giảng “di” 夷 là “bằng” (bình 平) nghĩa gần giống như “quân” 均 (Di, bình dã, dữ quân nghĩa cận).

Wilhelm dịch: Bức màn đầy đến nỗi sao Bắc Đẩu có thể nhìn thấy giữa trưa. Anh ta đã gặp được người chủ, cũng cùng loại như mình. May mắn.

Từ Tử Hùng giải thích “bộ” 蔀 là “bữa tiệc nhỏ” (tiểu tịch) và “di” 夷 là “thường” 常 (kinh qua). “Di chủ” 夷 主 là “chủ quán chiêu đãi cho khách bộ hành” (Kinh thường tiếp đãi giá ta lữ nhân đích lão điếm chủ). Cách giảng và dịch này quá suy diễn, không có một căn cứ gì.

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch: Phong kỳ phẫu 剖, nhật trung kiến đẩu, ngu 禺. kỳ di chủ, cát) ông dịch như sau: “Ánh mặt trời bị mặt trăng che khuất, đó là nhật thực phát sinh, nên chính ngọ mà có thể nhìn thấy bảy ngôi sao Bắc Đẩu, gặp được người chủ nhân cũ, may mắn” (Nhật quang bị nguyệt lượng sở phúc cái, nhật thực phát sinh, cố chính ngọ khán kiến Bắc Đẩu thất tinh, ngộ đáo tha đích cựu chủ nhân, tắc cát tường).

Shaughnessy giảng “di” 夷 là “lạnh nhạt”. Nếu “lạnh nhạt” thì còn “tốt lành” gì nữa?

Đặng Cầu Bá chấm câu lại. Trước hết câu “phong kỳ phẫu nhật trung” 豐 其 剖 日 中 có nghĩa là “mọi vật tại Phong Đô vào lúc giữa trưa đều có thể nhìn thấy rõ ràng” (tại trung ngọ Phong Đô đích nhất thiết đô khán đắc ngân thanh sở). Vấn đề là chẳng lẽ tác giả Kinh Dịch phải hì hục ngồi khắc trên mai rùa hay xương thú một câu nhận xét vô nghĩa như vậy sao? “Di chủ”夷 主 Đặng Cầu Bá giảng là “thủ lĩnh bọn người man di” (di nhân đích thủ lĩnh). Tại sao không nghĩ “di nhân” là “dị nhân” 異 人?

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Lục Ngũ

Lời hào Lục Ngũ quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Lục ngũ. Lai chương. Hữu khánh dự. Cát. (來 章 . 有 慶 譽 . 吉)

Dịch nghĩa: Quẻ Lôi Hỏa Phong có hào Lục Ngũ là hào Âm: Ánh sáng đã trở lại (sau khi bị nhật thực), mọi người vui mừng chúc tụng lẫn nhau, gieo quẻ bói được quẻ rất tốt.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Lục Ngũ
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Lục Ngũ

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Dùng tài năng đưa mọi người đến chỗ văn minh tốt đẹp bằng cách mở rộng ánh sáng, chắc chắn được phúc lành, tiếng tốt, may mắn. (Triệu trí thiên hạ chương mỹ chi tài dĩ phong đại quang minh, tất hoạch phúc khánh hòa giai dự, cát tường).

Wilhelm dịch: Hàng loạt công việc đang đến, phúc lành và danh tiếng đến gần, may mắn. Ở đây Wilhelm muốn nói bậc quân vương khiêm nhường, nên lập ra một hội đồng quy tụ các hiền tài. Họ vây quanh ông và hiến hàng loạt kế sách để thi hành. Điều này đem lại phúc lành, danh tiếng và may mắn cho vị quân vương cũng như thần dân của ông.

Từ Tử Hùng giảng “chương” 章 đây phải có thêm bộ “ngọc” bên phải 璋 vì đây chỉ một loại ngọc. Ông dịch hào trên như sau: “Kiếm được ngọc quý, mọi người đến chúc mừng, đây là điềm may mắn” (Trám đắc mỹ ngọc, đại gia đô khánh hạ khoa trang tha. Giá thị cát lợi chi triệu).

Shaughnesssy giảng “chương” là “mô hình”. Cũng là một cách giảng vô nghĩa.

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch) dịch: “Nhật thực qua rồi, ánh sáng đã trở lại, mọi người vui mừng chúc tụng, khen ngợi, may mắn” (Nhật thực quá khứ, đới lai quang minh, nhân môn khánh hạ, xứng dương, cát tường).

Đặng Cầu Bá (theo Bạch Thư Chu Dịch: Lai chương hữu khánh, cử, cát 來 章 有 慶 舉 吉 ) dịch như sau: “Cần cù làm lụng được khen ngợi biểu dương, thăng lên làm quan, hỏi cỏ thi được quẻ tốt” (Cần lao nhi đắc đáo biểu chương, cử dĩ vi quan, vấn thi đắc cát chiêm).

Quẻ Lôi Hỏa Phong Hào Thượng Lục

Lời hào Thượng Lục quẻ Lôi Hỏa Phong viết:

Phong kỳ ốc. Bộ kỳ gia. Khuy kỳ bộ. Khuých kỳ vô nhân. Tam tuế bất địch. Hung. (豐 其 屋 . 蔀 其 家 . 窺 其 戶 .闃 其 無 人 . 三 歲 不 覿 . 凶 )

Dịch nghĩa: Hào trên cùng quẻ Lôi Hỏa Phong là hào Âm: Nới rộng chỗ ở, sửa sang lại nhà cửa, nhìn sang nhà bên cạnh, không thấy một ai, cả ba năm liền đều vắng bóng người. Bói được hào này coi chừng có chuyện nguy hiểm.

Quẻ Lôi Hỏa Phong - Hào Thượng Lục
Quẻ Lôi Hỏa Phong – Hào Thượng Lục

Giải thích:

Kim Cảnh Phương giảng “phong kỳ ốc” 豐 其 屋 là “làm rộng thêm nơi trú ngụ của mình” (phong đại tự kỷ đích trú trạch), “bộ kỳ gia” 蔀 其 家 là kết quả của việc làm rộng thêm nói trên.

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Mở rộng nhà ở, che chắn cửa nhà, nhìn lén qua cửa sổ, yên lặng không một bóng người, ba năm không thấy lộ mặt, có nguy hiểm” (Phong đại phòng ốc, chướng tế cư thất, đối trước song hộ khuy thị, tịch tĩnh hào vô nhân tung, thời quá tam niên nhưng bất kiến lộ diện, như thử thâm tàng tự tế tất hữu hung hiểm).

Wilhelm dịch: “Nhà cửa đang trong tình trạng sung túc. Anh ta che đậy gia tộc của mình. Anh ta nhìn qua cổng. Và không thấy người nào. Trong ba năm không thấy gì cả. Xui xẻo”. Rõ ràng, Wilhelm hiểu chữ gia 家 theo nghĩa rộng là đại gia đình, họ mạc, tộc họ, cho nên đã dịch “bộ kỳ gia” 蔀 其 家 là “Anh ta che đậy gia tộc của mình”.

Trình Di giải “bộ kỳ gia” là “cư ngụ không rõ ràng” (cư bất minh dã), còn “phong kỳ ốc” là “ở chỗ quá cao” (xử thái cao dã). Hào Âm nhu ở vị trí rộng rãi sung túc mà lại che đậy nhà cửa tuyệt giao với người nên ai dám lui tới? vì thế mà bảo nhìn vào nhà không thấy một ai, ba năm liền đều y như thế. Vậy Wilhelm hiểu gia là gia tộc còn Trình Di hiểu gia là nhà cửa (che đậy nhà cửa, tuyệt giao với người nên gọi là cư ngụ không rõ ràng).

Từ Tử Hùng giảng  “khuy” 窺 là nhìn lên ( thám thị ), “khuých” 闃 là “yên lặng trống vắng”(hư không tịch tĩnh), “địch” 覿 là “thấy” (kiến 見). Ông dịch hào trên như sau: “Phòng ốc quang đãng trống vắng, trên mái nhà chiếu cỏ lợp lung tung, qua khe cửa lén nhìn bên trong, chẳng thấy bóng ai, có vẻ như căn nhà này lâu năm nay vắng chủ, đây là điểm chẳng lành” (Phòng tử không đãng đãng đích, ốc đỉnh thượng tán loạn cái trước thảo tịch, tòng môn phùng lý thám thị, tịch vô nhất nhân. Khán dạng tử giá lý đa niên vị chủ nhân liễu. Giá thị bất tường chi triệu).

Trương Lập Văn (theo Bạch Thư Chu Dịch) cho rằng quẻ Lôi Hỏa Phong nói về các hiện tượng tự nhiên xuất hiện có liên quan đến mặt trời. Ông dịch cũng tương tự như Từ Tử Hùng. Như vậy thì hào chót này có liên quan gì đến các hiện tượng đó?

Đặng Cầu Bá (theo Bạch Thư Chu Dịch ): Phong kỳ ốc, phẫu kỳ gia, khuê kỳ hộ, @ kỳ vô nhân, tam tuế bất toại, hung ) dịch: “Xây dụng nhà, mở rộng cửa, làm bếp ở riêng, giương mắt chờ ba năm cũng không có con nối dòng, bói cỏ thi gặp quẻ bói xấu” (Kiến trúc phòng ốc, khuếch đại môn hộ, lập táo biệt cư, trương mục đẳng đãi tam niên bất đắc tự tử, vấn thi đắc hung triệu). Đặng Cầu Bá giảng “tam tuế bất toại” là “ba năm mà không thành công”. Riêng chữ @ (trên là chữ “minh”, dưới chép nửa giống chữ“đại” nửa giống chữ“khuyển”), chúng tôi nhìn không rõ. Chữ này Đặng Cầu Bá nói không có trong tự điển, và ông đoán là giả tá cho chữ“ nộ” 怒 , nhưng cũng không đưa ra căn cứ gì cho sự suy diễn của mình.

Quẻ Lôi Hỏa Phong phần Tổng Luận

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ tổng luận về quẻ Lôi Hỏa Phong như sau: “Quẻ Lôi Hỏa Phong tượng trưng cho sự dồi dào to lớn (phong đại) của sự vật. Quái Từ
khen phong dẫn đến hanh thông, và nhấn mạnh hai tiêu chuẩn để giỏi xử thời Phong:

(a) Phải có đạo đức thịnh mỹ, cho nên khen “quân vương đạo đức có thể dẫn đến phong”.

(b) Phải quang minh chiếu sáng, cho nên nói “mặt trời chính ngọ, không lo lắng”.

Hiển nhiên, quẻ Lôi Hỏa Phong tuy lấy tên ở “dồi dào đẹp đẽ to lớn” (phong mỹ thạc đại) nhưng ý răn đe rất sâu: cầu được phong không dễ, giữ được phong càng khó. Sáu hào trong quẻ Lôi Hỏa Phong, lần lượt trình bày các tình trạng tốt xấu được mất khi xử phong.

Hào Sơ Cửu là Dương nhỏ yếu ở chỗ thấp, thận trọng cầu phong, nên hữu thượng 有 尚 (được khen). Hào Lục Nhị là Âm cư Âm vị, bị che ánh sáng, phải phát huy đức tin và nhu trung thì được phong và tốt lành. Hào Cửu Tam là cuối quẻ Ly (nội quái), bị bớt ánh sáng, phải tự làm gãy cánh tay phải mới có thể vô cữu. Hào Cửu Tứ là Dương cư Âm vị, tuy bị che ánh sáng, nhưng nếu gặp gỡ hào Sơ Cửu (dương cương ở dưới) để giúp đỡ nhau thì tốt lành. Hào Lục Ngũ là Âm cư tôn vị, hàm chứa cương mỹ, lại có thể mời gọi hào Lục Nhị để có phong đại, quang minh, thịnh đức, nên được khen ngợi vô cùng và được tốt lành. Hào Thượng Lục ở địa vị cao (cuối quẻ), phong cực nhu ám (cực lớn và mềm tối), ẩn sâu tuyệt giao với người, nên bị hung hiểm.

Xét chung đại ý sáu hào, hào cuối thượng quái và hạ quái đều tượng trưng sự quá phong tổn đức tức là hào Cửu Tam và hào Thượng Lục tuy âm dương tương ứng nhưng kẻ thì không tránh nạn gãy tay, người thì rốt cuộc gặp hung hiểm. Còn hào ở thấp và thủ trung đều tượng trưng kẻ thận trọng tu sửa bản thân để cầu phong và giữ phong. Các hào Sơ Cửu, Lục Nhị, Cửu Tử, Lục Ngũ tuy âm dương không ứng, nhưng cũng có nhiều tốt lành. Trong đó hào Lục Ngũ vô cũng tốt lành.

Hùng Lương Phụ nói: Trong thời phong đại, đạo đức giúp nhau được xem là tốt, chứ không phải sự tương ứng Âm Dương. Tuy nhiên, quy luật phát triển của sự vật quyết định sự phong đại chỉ là tạm thời, là tương đối, rốt cuộc nó sẽ hao tổn. Thoán Truyện làm rõ yếu chỉ bên ngoài tượng của quẻ Lôi Hỏa Phong: “Nhật tung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thưc; thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức.” (日 中 則 昃 . 月 盈 則 食 . 天 地 盈 虛 . 與 時 消 息) (Mặt trời đến chính ngọ thì xế, trăng đầy thì khuyết, sự đầy vơi của trời đất biến đổi theo thời). Có thể thấy, cái tôn chỉ mà các tác giả Chu Dịch lập cho quẻ này có ngụ ý cảnh tỉnh con người rất sâu sắc: khi dồi dào thì chớ quên rồi sẽ mất đi, khi đầy thì chớ quên rồi sẽ vơi.

Quẻ Lôi Hỏa Phong với thời kỳ Ngũ Đại

Quẻ Lôi Hỏa Phong đã dự đoán được sự việc trước khi kết thúc loạn cục Ngũ Đại, đã xuất hiện một vị vua anh minh vĩ đại, đó chính là Sài Vinh. Những cải cách của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử Trung Quốc.

Ứng tượng quẻ Lôi Hỏa Phong với thời kỳ Ngũ Đại
Ứng tượng quẻ Lôi Hỏa Phong với thời kỳ Ngũ Đại

Sấm viết:

Lý thụ đắc căn nha, thạch lựu mạn phóng hoa.

Khô mộc phùng xuân chỉ nhất thuấn.

Nhượng tha thiên hạ cạnh vinh hoa

Dịch nghĩa:

Cây lý (mận) mọc mầm nhánh.

Thạch lựu nở đầy hoa.

Cây khô gặp xuân chỉ nháy mắt.

Lại để thiên hạ tranh vinh hoa.

Tụng viết:

Kim mộc thủy hỏa thổ dĩ chung.

Thập tam đồng tử ngũ vương công.

Anh minh trùng kiến thái bình nhật.

Ngũ thập tam tham vận bất thông.

Dịch nghĩa

Kim mộc thủy hỏa thổ đã hết.

Mười ba đứa trẻ, năm vương công.

Anh minh lại thấy ngày yên ổn.

Năm mươi ba xem vận chẳng thông

Kim Thánh Thán bình chú

Tượng này nói về Chu Thế Tông nhận mệnh từ Quách Uy trở thành vị hoàng đế cuối cùng của Ngũ Đại, Thế Tông họ Sài tên Vinh, anh minh võ đoán, chuyên tâm trị quốc, chỉ tiếc là chưa tạo dựng được cơ nghiệp bao lâu, đã chết vì bệnh. Thời kỳ Ngũ Đại kéo dài 53 năm, trải qua 13 đời hoàng đế thuộc 8 họ, hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của lời tụng.

Ý nghĩa của đồ hình

Trong hình là một bó củi khô bao quanh một cành cây tươi, trổ mầm lá non mơn mởn. Bó củi khô tượng trưng cho Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh, vì chữ “Sài” trong tiếng Hán có nghĩa là củi khô, còn cành cây tươi đâm chồi, mọc lá đại diện cho sự quang minh chính đại của Sài Vinh trong thời kỳ tại vị, khiến cho cục diện tăm tối thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc bừng lên tia hi vọng.

Ý nghĩa của bài thơ

Tượng này tổng kết về cục diện rối loạn thời kỳ Ngũ Đại, sau khi Chu Thế Tông Sài Vinh qua đời thì loạn cục Ngũ Đại cũng kết thúc. Thế Tông Sài Vinh lên ngôi hoàng đế Hậu Chu nhờ vào thân phận là thân thích với người sáng lập nhà Hậu Chu Quách Uy.

Trong thời kỳ tại vị, ông tỏ rõ là một vị vua anh minh quyết đoán, chuyên tâm đến chính sự, tuy nhiên do nhiều năm đánh nam dẹp bắc nên sức khoẻ sa sút, chưa bao lâu đã qua đời, để lại đại quyền cho người con trai còn quá nhỏ không thể đảm đương trọng trách, do đó tạo cơ hội cho bộ hạ Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến.

Cuối cùng Hậu Chu đã bị Bắc Tống lật đổ. Từ đây thời kỳ Ngũ Đại chiến loạn đã chấm dứt hoàn toàn.Thời kỳ này đã trải qua tổng cộng 5 triều đại, kéo dài 53 năm, có 13 người xưng đế.

Lý thụ đắc căn nha, thạch lưu nở đầy hoa” (Cây lý (mận) mọc mầm nhánh, thạch lựu nở đầy hoa), ngầm chỉ thời Ngũ Đại đã lần lượt trải qua các chính quyền được xây dựng nên bởi ba họ là Lý, Thạch và Lưu (trong tiếng Hán có âm đọc giống với “lựu”). Trong đó “cây lý” đại diện cho nhà Hậu Đường do Lý Tồn Húc sáng lập, “thạch” đại diện cho nhà Hậu Tấn do Thạch Kính Đường sáng lập, “lựu” có âm đọc giống chữ “lưu” nên đại diện cho Hậu Hán do Lưu Tri Viễn sáng lập.

Cây khô gặp xuân chỉ nháy mắt“, câu này mang hai tầng ý nghĩa: cây khô tức là củi, chính là chữ “Sài” (柴). Còn gặp xuân, ý nói là phồn vinh, ám chỉ chữ “vinh”, hợp lại chính là Chu Thế Tông Sài Vinh. Trong hình chỉ có một gốc cây đâm chồi nảy lộc, gốc cây trong chữ Hán là “chu” (株) đồng âm với họ Chu, ngầm chỉ người sáng lập Hậu Lương Chu Ôn, Chu Ôn và Sài Vinh lần lượt đại diện cho người khởi đầu và người kết thúc của thời kỳ Ngũ Đại. “Chỉ nháy mắt“, ý nói Sài Vinh rất có khí phách, khiến quốc gia dần dần ổn định và phát triển đi lên, song tình trạng này không kéo dài được bao lâu, ông đã sớm qua đời vì bệnh tật. Con trai ông lên ngôi kế vị, song mới được nửa năm đã bị Triệu Khuông Dẫn lật đổ, xây dựng nên triều Tống.

Lại để thiên hạ tranh vinh hoa“, ý nói trong thời kỳ Ngũ Đại, các thủ lĩnh phiên trấn khắp nơi tranh hùng xưng bá, giành giật vinh hoa phú quý, đua nhau xưng vương phong đế. Thời kỳ Ngũ Đại không chỉ trải qua 5 triều đại Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, mà còn xuất hiện chính quyền cát cứ tại mười mấy địa phương, chủ yếu có Tiền Thục, Hậu Thục, Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Mân, Sở, Nam Hán, Nam Bình (Kinh Nam), Bắc Hán, gọi chung là Thập Quốc.

Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ đã hết” chính là dùng hình tượng Ngũ hành luân chuyển để ám chỉ sự xuất hiện luân phiên của năm triều đại, cũng đại diện cho thời đại chiến loạn liên miên sắp sửa kết thúc.

Mười ba đứa trẻ, năm vương công” có nghĩa là trong thời kỳ này có tổng cộng 13 người lên ngôi hoàng đế, trong đó có 5 vị là quân chủ khai quốc. Gọi họ là “đứa trẻ” (đồng tử) ý nói thời kỳ tại vị của họ rất ngắn ngủi.

Anh minh lại thấy ngày yên ổn” có nghĩa là dân chúng cuối cùng đã có được một vị quân chủ thánh đức hiền minh, bởi vậy ngày thái bình sắp tới.

Năm mươi ba xem vận chẳng thông” ý nói thời kỳ Ngũ Đại đã trải qua tổng cộng 53 năm lẻ 3 ngày thì xảy ra binh biến Trần Kiều, Triệu Khuông Dẫn khoác hoàng bào đăng cơ, chính thức chuyển sang thời kỳ thống trị của vương triều Tống.

Ứng tượng quẻ Lôi Hỏa Phong trong Kinh dịch

Tượng này ứng với quẻ Lôi Hỏa Phong trong “Kinh Dịch”, quẻ dưới là quẻ Ly, đại diện cho chớp, quẻ trên là quẻ Chấn, đại diện cho sấm.

Lời quẻ là: “Phong: Hanh, vương giả chi. Vật ưu, hợp nhật trung“.

Có nghĩa là lúc này tiến hành tế lễ thích hợp, quân vương cũng sẽ đích thân tới tông miếu, bởi vậy không phải lo lắng, thời gian tế lễ tốt nhất là chọn vào giờ chính Ngọ. Toàn bộ tượng này có nghĩa là sấm chớp loé sáng, rền vang trên bầu trời, đấy là dấu hiệu quan trọng mà trời cao muốn cảnh báo tới hạ dân, hy vọng thần dân có thể tiếp nhận lời cảnh báo này mà tu thân tích đức, hiểu rõ lý lẽ, chắc chắn sẽ gặt hái được thành công to lớn, bởi vậy tên quẻ là “Phong”, nghĩa là bội thu.

“Thoán viết: Phong, đại dã. Minh dĩ động, cố phong. Vương giả chi, thượng đại dã. Vật ưu, nghi nhật trung, nghi chiếu thiên hạ dã. Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực, thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống vu nhân hồ? Huống vu quỷ thần hồ?”.

Lời thoán truyện ý nói quẻ Lôi Hỏa Phong mang nghĩa thu hoạch lớn, nếu mọi người có thể hiểu rõ đạo lý của sự vật, lại biết hành sự căn cứ theo quy luật, sẽ giành được thành công và sự bội thu, bởi vậy gọi là “phong”.

Suy rộng ra phạm vi xã hội và quốc gia, ý nói quân vương cần coi trọng việc tế lễ, song cũng không phải quá lo lắng về việc này, bởi lẽ chọn vào giờ chính Ngọ, là lúc mặt trời chiếu sáng mạnh nhất, khắp nơi ngập tràn ánh sáng. Tình thế rất có lợi cho quân Vương, có điều, khi mặt trời đã đến vị trí cao nhất, sẽ dần dần hạ thấp xuống phía tây, vạn vật không thể thịnh vượng dài lâu.

Từ lời thoán và lời quẻ Lôi Hỏa Phong, có thể nhận thấy rằng, thời kỳ hỗn chiến kéo dài mấy chục năm của giai đoạn Ngũ Đại Thập Quốc sắp sửa kết thúc. Trời cao cũng cảnh báo với vị quân vương sau này rằng, cần kính đức bảo vệ dân, thực thi chế độ chính trị sáng suốt, như vậy mới có thể duy trì được cục diện thái bình dài lâu.

Hào Sơ Cửu quẻ Lôi Hỏa Phong

“Sơ cửu: Ngộ ky phối chủ, tuy tuân, vô cữu. Vãng hữu thương“.

Ý nói trên đường đi gặp người tiếp đón mình, bởi vậy đã kết thành vợ chồng với vị nữ chủ nhân này, việc này đã không bị người khác đố kỵ, lại nhận được sự tán thưởng.

“Tương viết: Tuy tuần vô cữu, quá tuần tai dã“.

Lời tượng cho rằng trong mười ngày sẽ không gặp tai hoạ gì, nhưng lại không dám chắc sau mười ngày có xảy ra chuyện gì hay không. Hào này ý nói Hậu Chu Thế Tông sau khi tại vị được quần thần hết lòng ủng hộ, thiên hạ tạm thời được bình yên, tuy nhiên sau khi ông mất, đất nước xảy ra chuyện gì, đều do ý trời quyết định.

Hào Lục Nhị quẻ Lôi Hỏa Phong

“Lục nhị: Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu. Vãng đắc nghi tật. Hữu phu phát nhược. Cát“.

Có nghĩa là ghép chiếu lại nằm xuống nghỉ ngơi, ban ngày mà lại có người nói rằng nhìn thấy sao Bắc Đẩu trên trời, cho thấy mắt và đầu óc anh ta có vấn đề. Nếu có thể tác động tới anh ta kịp thời, có lẽ sẽ giúp anh ta tỉnh ra.

“Tượng viết: Hữu phu phát nhược, tín dĩ phát chí dã“.

Lời tượng cho rằng nếu có thể giúp đỡ người khác bằng tấm lòng chân thành, sẽ khiến cho lời nói và hành động trở nên thẳng thắn, chính trực. Hào này dự đoán sau khi Chu Thế Tông lên nắm quyền, rất yêu thương nhân dân, yêu cầu nghiêm khắc với bản thân, thực thi chính lệnh nghiêm minh, bởi vậy rất được bộ hạ và thần dân yêu mến.

Hào Cửu Tam quẻ Lôi Hỏa Phong

“Cửu tam: Phong kỳ bái, nhật trung kiến chu. Chiết kỳ hữu quăng, cát“.

Có nghĩa là một người rải cỏ làm chiếu nằm xuống nghỉ ngơi, vào giờ chính Ngọ nói rằng mình nhìn thấy quỷ, nếu có thể chặt đứt cánh tay phải anh ta thì sẽ khiến anh ta tỉnh ra.

“Tượng viết: Phong kỳ bái, bất khả đại sự dã. Chiết kỳ hữu quăng, chung bất khả dụng dã“.

Tượng cho rằng, rải cỏ làm chiếu không thể mang lại tác dụng thực sự, mà chặt đứt cánh tay phải thì sẽ khiến anh ta bị tàn tật suốt đời. Ở đây là nói trong quá trình chinh chiến khắp nơi, Sài Vinh đều không sát hại bừa bãi thần dân và quân chủ của kẻ địch, bởi vậy ông được coi là vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử.

Hào Cửu Tứ quẻ Lôi Hỏa Phong

Cửu tứ: Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu. Ngộ kỳ di chủ, cát“.

Có nghĩa là một người rải cỏ làm chiếu rồi nằm xuống nghỉ ngơi, lại nói nhìn thấy sao Bắc Đẩu, xem ra anh ta vẫn chưa trở về trạng thái bình thường, may mà lúc này gặp người chủ cũ của anh ta, giao anh ta cho vị chủ cũ này, có thể khiến anh ta tỉnh ra chút ít.

“Tượng viết: Phong kỳ bộ, vị bất dương đã. Nhật trung kiến đẩu, u bất minh dã. Ngộ kỳ di chủ, cát hành dã“.

Lời tượng cho rằng nằm ngủ trên cỏ là cách làm tuỳ tiện không thoả đáng, giống như hào dương Cửu tứ ở vị trí hào âm. Giờ chính Ngọ mà lại nhìn thấy sao Bắc Đẩu tức là u mê, rối loạn, lúc này nếu gặp được chủ cũ giúp đỡ, sẽ may mắn. Hào này giống với hào Cửu tam, cho thấy dù Sài Vinh gặp bao nhiêu gian khó trong quá trình chinh phạt đi nữa, nhưng nếu được Triệu Khuông Dẫn, Triệu Phổ giúp đỡ, đều có thể khiến tình thế chuyển từ nguy sang an.

Hào Lục Ngũ quẻ Lôi Hỏa Phong

Lục ngũ: Lai chương, hữu khánh dự. Cát“.

Có nghĩa là một người được một viên ngọc quý từ chỗ người khác, mọi người đều tới chúc mừng anh ta, đây chính là dấu hiệu dự báo may mắn.

“Tượng viết: Ngũ lục chi cát, hữu khánh dã“.

Lời tượng cho rằng, sở dĩ vị trí hào Ngũ lục cát là vì sắp có chuyện may mắn xảy ra. Hào này dự đoán rằng đội quân Hậu Chu liên tiếp thắng lợi, chế độ chính trị hợp lý của Thế Tông Sài Vinh đã khiến quốc lực của Hậu Chu ngày một lớn mạnh, đặt nền tảng vững chắc cho việc thống nhất thiên hạ.

Hào Thượng Lục quẻ Lôi Hỏa Phong

“Thượng lục: Phong kỳ ốc, bộ kỳ gia, khuy kỳ hộ, khuất kỳ vô nhân, tam niên bất dịch, hung“.

Hào này ý nói trong nhà trống trải, trên mái nhà cỏ mọc um tùm, nhòm qua khe cửa vào trong nhà, thấy không một bóng người, xem ra ngôi nhà này đã lâu không có ai ở, đấy là điềm hung.

“Tượng viết: Phong kỳ ốc, thiên tế tường dã. Khuy kỳ hộ, khuất kỳ vô nhân, tự tàng dã“.

Lời tượng cho rằng, có thể sửa sang nhà cũ, chứng tỏ người này sẽ có được của cải, nhưng nhìn qua khe cửa vào nhà, lại thấy của cải nhiều đến mức có thể làm hại bản thân, nếu không chạy thoát thân, e rằng sẽ gặp họa khó lường. Hào này ý nói tuy có được thành công lớn, song do quá vất vả, cuối cùng Sài Vinh đã bị bệnh tật dày vò, sức khoẻ ngày một xấu đi, cuối cùng đã qua đời ở tuổi 39, để lại giang sơn còn đang chỉnh đốn dang dở.

Lịch sử ẩn phía sau tượng

Chu Thế Tông Sài Vinh là vị hoàng đế cuối cùng của thời Ngũ Đại, sinh vào thời kỳ loạn lạc, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được chồng của cô là Quách Uy nhận làm con nuôi. Nhờ sự dạy dỗ của Quách Uy mà Sài Vinh đã trở thành nhân tài văn võ song toàn. Sau khi Quách Uy bệnh nặng qua đời, do không có con trai nối dõi, Sài Vinh đã được kế tục ngôi vị với thân phận là cháu trai của hoàng đế.

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh
Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh

Trước khi Sài Vinh tại vị, thiên hạ đã trải qua 53 năm chiến loạn dưới 5 triều đại, lần lượt có 13 người thuộc 8 họ lên làm hoàng đế. Sài Vinh vừa lên ngôi đã phải đối mặt với sự xâm lược của đội quân Bắc Hán cấu kết với quân Khiết Đan, ông đích thân dẫn quân ra trận, còn chọn lựa những người anh dũng làm tướng, đội quân Hậu Chu kiên trì chiến đấu, cuối cùng đã đánh tan quân xâm lược Bắc Hán. Sau đó, ông lại chinh phục Ba Thục, Nam Đường, chiếm cứ vùng đất Giang Hoài rộng lớn, lãnh thổ của Hậu Chu ngày càng được mở rộng, quốc lực dần dần hưng thịnh.

Vài năm sau đó, Bắc Hán lại liên kết với Khiết Đan tới xâm phạm Hậu Chu, Sài Vinh một lần nữa đích thân ra trận, tiếp tục giành toàn thắng, thu phục được 17 huyện của 3 châu, uy thế của Hậu Chu trở nên vô cùng lớn mạnh. Lần chinh chiến này càng làm tăng thêm niềm tin của Sài Vinh, chuẩn bị thừa thắng xông lên, thu hồi lại vùng U Châu đã nhượng cho Khiết Đan.. Nhưng ông trời lại phụ lòng người, vào đúng thời khắc quan trọng này, Sài Vinh đột nhiên mắc bệnh nặng, buộc phải quay về kinh thành, không lâu sau thì qua đời ở Khai Phong.

Trong thời kỳ tại vị, Sài Vinh trọng dụng hiền tài, cải cách chế độ quan lại, tuyển chọn quan lại thông qua thi cử nghiêm minh, khiến xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Ông còn cố gắng giảm bớt các khoản thuế không hợp tý, khiến dân chúng được sống những ngày yên ấm.

Thời kỳ Ngũ Đại, xã hội rối loạn, chính trị tăm tối, để tránh tai họa, mọi người đua nhau xuất gia, vì thế mà Phật giáo trở nên rất thịnh hành, hàng năm triều đình cũng tiêu tốn một khoản tiền lớn vào việc đúc tượng Phật, xây dựng chùa chiền, khiến ngân sách hao hụt, giá cả tăng vọt. Sau khi Sài Vinh lên ngôi, đã chọn chính sách khống chế Phật giáo, cấm dân chúng tự ý xuất gia, dỡ bỏ một số chùa chiền không cần thiết. Nhờ chính sách này, hàng vạn người đã hoàn tục. Nhờ vậy mà Sài Vinh đã vực lại được nền kinh tế suy bại bấy lâu nay, đặt nền tảng kinh tế vững chắc cho sự phục hưng tiếp theo của đất nước.

Để mau chóng khôi phục lại nền kinh tế, Sài Vinh đã lệnh cho đại tướng Triệu Khuông Dẫn phi ngựa tới khi ngựa mệt không thể đi được nữa thì xây dựng thành trì tại đó, chuyện này được người đời sau gọi là “bão mã khuyên thành” (phi ngựa khoanh thành), thành trì này về sau đã trở thành ngoại thành của đô thành Khai Phong Bắc Tống. Quy mô xây dựng đô thành trong thời kỳ Sài Vinh lớn hơn gấp nhiều lần so với thời trước, khiến thành Khai Phong vốn lỏng lẻo không có gì phòng thủ trở nên vững chắc không thể công phá. Một lượng lớn thành thị đã được xây dựng trong thời kỳ này, cũng đã đặt nền tảng vững chắc cho thương nghiệp phát triển phồn vinh.

Trong thời kỳ Ngũ Đại, do chiến tranh liên miên mà việc trị thuỷ sông Hoàng Hà nhiều năm liền không được quan tâm, sau khi lên ngôi, Sài Vinh đã lệnh cho tu sửa đê điều, đồng thời cho xây dựng cửa cống gần sông Biện, chi lưu của sông Hoàng Hà để khống chế thế nước của sông Hoàng Hà, đảm bảo an toàn cho kinh thành Khai Phong. Ngoài ra, lấy Khai Phong làm trung tâm, ông còn lệnh cho người xây dựng mạng lưới giao thông đường thuỷ, nhờ đó mà việc vận chuyển lương thực, hàng hoá bằng đường sông ở khắp vùng phương nam tới Khai Phong được thông suốt, khiến kinh thành Khai Phong càng được đảm bảo ổn định, chính quyền mới được xây dựng cũng vì thế mà vững chắc hơn.

Trong lịch sử, Sài Vinh được xem là “Ngũ Đại đệ nhất minh quân” (vị vua anh minh nhất thời kỳ Ngũ Đại), không những tài giỏi, sáng suốt mà còn xử lý công việc thận trọng, chịu khó tiếp thu ý kiến của người khác, lấy mình làm gương cho thiên hạ, nhờ thế mà khôi phục được sự ổn định xã hội sau mấy chục năm loạn lạc.

Có một lần, trên đường dẫn quân tấn công Nam Đường, Sài Vinh phát hiện thấy đường sông ở một địa phương chưa được khơi thông, bèn tới hỏi nguyên nhân, thì ra trong lúc khai thông đường sông đã gây ra tình trạng nước sông chảy ngược, khiến cho không thể thi công. Sài Vinh đích thân nghiên cứu phương pháp, sau đó công nhân đã làm theo phương pháp của ông, quả nhiên đường sông ở địa phương này đã được khai thông, có thể thấy Sài Vinh quan tâm tới việc xây dựng đất nước như thế nào. Nhưng chính thái độ luôn quan tâm sát sao tới mọi việc đã làm hao tổn sức lực của ông, khiến ông mắc bệnh qua đời khi mới 39 tuổi, trong khi lý tưởng chính trị “mười năm mở mang thiên hạ, mười năm chăm lo bách tính, mười năm tiến tới thái bình” vẫn chưa thành hiện thực.

Comment ngay nếu có gì thắc mắc về quẻ Lôi Hỏa Phong để nhận giải đáp trực tiếp từ Ad nhé !!!

(Series bài viết Hướng dẫn tự học Kinh Dịch Tại chuyên mục Giáo Dục dành cho Newbie được viết bởi Phú Hà

Để trở về trang chủ mời quý khách Click Tại Đây)