Ý nghĩa, giải quẻ Địa Phong Thăng – Quẻ dịch số 46

2
8166

Quẻ Địa Phong Thăng báo hiệu một thời kỳ phát triển của bạn đã đến, hãy tiến hành mọi việc một cách cẩn thận và đầy quyết tâm để thu lấy thắng lợi là ý nghĩa quẻ Địa Phong Thăng.

Tiến bước đông nam tốt

Trời xanh ngày còn dài

Vận tươi tai họa sạch

Danh lợi được cả đôi

Có thể bạn cần xem thêm Quẻ Bát Thuần Cấn

Hoặc xem thêm   Quẻ Thiên Phong Cấu

Giải nghĩa quẻ Địa Phong Thăng

Quẻ Địa Phong Thăng có quẻ thượng Khôn là đất, quẻ hạ Tốn là mộc, tượng là cây là rễ. Hào 3, 4, 5 tạo thành hỗ Chấn là sấm là động. Hào 2, 3, 4 tạo thành hỗ Đoài là tượng tách vỏ, vỏ hạt tách ra, bén rễ đâm chồi nẩy lộc nên quẻ Địa Phong Thăng chủ về thời kỳ phát triển. Hơn nữa, hình chữ Thăng trên giáp cốt văn là cái đấu đong nước, rượu đầy tràn ra ngoài, suy rộng ra là tượng của sự thăng tiến, nên quẻ này gọi là quẻ Thăng.

Quái từ quẻ Địa Phong Thăng

Quái từ quẻ Địa Phong Thăng viết:

Thăng. Nguyên hanh. Lợi kiến đại nhân. Vật tuất. Nam chinh cát. (升. 元 亨, 利 見 大 人 , 勿 恤 . 南 征 吉)

Dịch nghĩa: Khi tiến hành việc chiêu tập binh sĩ (chuẩn bị chiến tranh) cần phải cử hành cúng lễ thật long trọng (nguyên hanh), cần phải đi gặp đại nhân (xin ý kiến), không cần phải tế sống, cuộc viễn chinh về phương Nam sẽ thành công.

Giải thích:

Bản truyền thống chép “dụng kiến đại nhân ” 用 見 大 人 nhưng chúng tôi cho rằng đó là chép sai. Đúng ra phải là “lợi kiến đại nhân ” 利 見 大 人 như thông thường vẫn lặp đi lặp lại trong các quẻ bói xuyên suốt trong toàn bộ quyển Kinh Dịch. Bằng chứng là bản Bạch Thư Chu Dịch cũng chép là “lợi kiến đại nhân ” .Thật ra chính Lục Đức Minh trong Kinh điển thích văn là người đầu tiên cho biết rằng có sách chép là “lợi kiến đại nhân” 利 見 大 人 nhưng chính ông ta không theo cách đó. Cả Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ cũng vậy.

“Tốn” 巽 thông thường vẫn tượng trưng cho “gió”. Điều này thể hiện trong tên quẻ là “địa phong thăng”, nhưng các nhà chú giải truyền thống nhất trí rằng trong trường hợp này “tốn” tượng trưng cho “cây”(mộc 木).

Lý Đỉnh Tộ dẫn Trịnh Huyền giảng: “Thăng là tiến lên trên. Khôn là đất, Tốn là cây, cây sinh ra từ trong đất, mặt trời lớn dần lên cao, giống như thánh nhân giữa đám chư hầu, đức sáng tỏa như mặt trời vĩ đại trên cao vậy” (Thăng, thướng dã. Khôn địa Tốn mộc, mộc sinh địa trung, nhật trưởng nhi thăng, do thánh nhân tại chư hầu trung, minh đức nhật ích cao đại dã).

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Quẻ Địa Phong Thăng tượng trưng cho sự thăng lên cao, cực kỳ hanh thông, đây là cơ hội tốt cho đại nhân xuất hiện, không cần phải lo lắng, hướng về phía Nam rực sáng tiến phát chắc chắn sẽ gặp may mắn” (Thăng quái tượng trưng thượng thăng, chí vi hanh thông, nghi ư xuất hiện đại nhân, bất tu ưu lự, hướng quang minh đích nam phương tiến phát tất hoạch cát tường).

Hai ông giảng chung về quẻ Địa Phong Thăng như sau: “Quẻ Địa Phong Thăng nói rõ quy luật sự vật thuận thế đi lên, tích tiểu thành đại. Quái Từ ca ngợi thời thượng thăng là rất hanh thông, nhấn mạnh quẻ này hợp với sự xuất hiện bậc đại nhân gồm đủ cương trung mỹ đức, có thể thông suốt xuôi thuận tiến lên, hướng đến quang minh, được sự may mắn. Cả sáu hào trong quẻ tập trung phản ánh đạo thuận thế để tiến lên” (Thăng quái xiển minh sự vật thuận thế thượng thăng, tích tiểu thành đại đích đạo lý. Quái từ xứng dương thượng thăng chi thời chí vi hanh thông, cường điệu nghi ư xuất hiện cụ bị cương trung mỹ đức đích đại nhân, tắc khả dĩ thuận sướng vô ưu địa thượng thăng, tịnh khả xu phó quang minh, hoạch đắc cát tường).

Chúng tôi cho rằng quẻ Địa Phong Thăng bàn về chiến tranh thì đúng hơn. Ngay trong lời quẻ đầu tiên đã thấy xuất hiện chữ “chinh” 征. Bản Bạch Thư Chu Dịch chép “chính” 正 nhưng thật ra là giả tá cho “chinh” 征.

Từ Tử Hùng dịch: “Quẻ Địa Phong Thăng cực kỳ hanh thông, hội kiến với các vương công quý tộc rất có lợi, không nên lo lắng. Bói được hào này, xuất chinh về phương Nam sẽ gặp may mắn, có lợi” (Thăng quái: phi thường hanh thông, hữu lợi vu hội kiến vương công quý tộc, bất dụng đảm ưu. Chiêm đắc thử hào, xuất chinh nam phương cát lợi).

Tống Tộ Dận dịch: “Sự nghiệp chói lọi sẽ tiến hành thuận lợi, mọi người trong thiên hạ đều lấy việc có thể hội kiến với các bậc đại nhân như thế để làm nơi tiến thân. Không cần phải lo lắng, đem quân đánh về phía Nam sẽ gặp may mắn, lợi lộc” (Trung quang sự nghiệp tương thuận lợi tiến hành, thiên hạ nhân đô dĩ năng kiến đáo giá dạng đích đại nhân đắc đáo hảo xứ. Bất dụng đảm ưu Hướng Nam phương dụng binh thị cát lợi đích).

Bản Bạch Thư Chu Dịch không chép tên quẻ là “Thăng” 升 mà chép là “Đăng” 登 nhưng nghĩa tương đồng. Thay vì “vật tuất” 勿 恤 thì chép “vật huyết” 勿 血. Không chép “chính” 征 mà chép “chính” 正. Đăng: nguyên hanh, lợi kiến đại nhân, vật huyết, nam chính, cát 登 元 亨, 利 見 大 人 , 勿 血 . 南 正 吉.

Trương Lập Văn dịch: “Bắt đầu tiến hành cúng tế, nên đi gặp đại nhân, không có gì phải lo lắng, hướng về phương Nam chinh phạt sẽ gặp may mắn” (Khai thủy cử hành hưởng tế, nghi ư kiến đại nhân, bất tất ưu lự, hướng Nam phương chinh phạt tắc cát tường).

Đặng Cầu Bá giảng: “đăng” 登 là “chiêu tập binh sĩ” (đăng: trưng tập binh viên). Đây là một chữ thường thấy trong các lời bói về cống nạp và chiến tranh. (Đăng tự tập kiến vu cống nạp bốc từ hòa chiến tranh bốc từ).

Đặng Cầu Bá dịch: Chiêu tập binh sĩ hết sức thuận lợi, hình thế rất tốt, tiến hành tế sống để báo cáo thần minh, xem cát hung trong trận nam chinh như thế nào. Bói cỏ thi được quẻ tốt. (Trưng tập binh viên phi thường thuận lợi, hình thế đại hảo, tiến hành huyết tế dĩ cáo quỷ thần, cầu nam chinh chi cát hung. vấn thi đắc Cát chiêm). Điểm đặc biệt trong bản dịch này là Đặng Cầu Bá giảng “vật” 勿 trong “vật huyết” 勿 血 có nghĩa là “báo cáo cho quỷ thần. (vật, trí cáo vu quỷ thần) còn “huyết” là do vua nhà Ân thường dùng máu tươi làm vật tế (Ân vương đa dĩ huyết vi tế phẩm).

Shaughnessy dịch: Thăng lên cao: quẻ bói chính: có lợi đi gặp đại nhân. Đừng thương xót. Về chiến dịch phương Nam, may mắn

Cleary dịch: “Thăng lên rất là thành công. Sử dụng điều này để gặp những nhân vật lớn. Đừng lo lắng. Viễn chinh phương Nam rất tốt”

Wilhehm dịch: Thăng mạnh lên cao rất là thành công. Ta phải gặp đại nhân. Đừng sợ. Khởi hành về phương Nam đem lại may

mắn”.

Quẻ Địa Phong Thăng đại tượng

Lời tượng quẻ Địa Phong Thăng viết:

Địa trung sinh mộc. Thăng. Quân tử dĩ thuận đức. Tích tiểu dĩ cao đại. (地 中 生 木 . 升 . 君 子 以 順 德 . 積 小 以 高 大)

Dịch nghĩa: Trong đất sinh cây, đó là hình tượng quẻ Thăng. Nhà vua xem hình tượng đó thuận theo đức trị, ban ân bố đức những việc nhỏ đê tựu thành những kết quả lớn lao về sau.

Đại Tượng quẻ Địa Phong Thăng
Đại Tượng quẻ Địa Phong Thăng

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Trong đất sinh cây, tượng trưng cho sự thăng lên cao. Quân tử nhân đó thuận hành mỹ đức, tích lũy những điều tốt nhỏ để xây dựng thành đại nghiệp” (Địa trung sinh xuất thụ mộc, tượng trưng thượng thăng. Quân tử nhân thử thuận hành mỹ đức, tích lũy tiểu thiện dĩ thành tựu sùng cao hoằng đại đích sự nghiệp)

Quẻ Địa Phong Thăng hào Sơ Lục

Hào Sơ Lục quẻ Địa Phong Thăng viết:

Doãn thăng. Đại cát. (允 升 . 大 吉)

Dịch nghĩa: Hào Sơ Lục quẻ Địa Phong Thăng là hào âm: Cứ tiếp tục chiêu binh mãi mã, (quẻ này cho biết) sẽ đại thắng.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 1
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 1

Giải thích:

Vương Bật giảng “duẫn” 允 là “nên” (duẫn, đáng dã 允 當 也). Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Nên thăng lên cao, cực kỳ may mắn” (Nghi vu thượng thăng, đại vi cát tường). Thượng Bỉnh Hòa giảng “duẫn” là “tiến lên, xuất ra” (duẫn vi tiến, chỉ xuất 允 爲 進 指 出). Thuyết văn giải tự cũng giảng như vậy.
Tống Tộ Dận giảng “duẫn” 允 là “thành thực, chân thành, xác thực, nghĩa mở rộng là “khẳng định” (thành, chân, xác thực, dẫn thân vi khẳng định đích ý tứ). Ông dịch “duẫn thăng” là “khẳng định cần phải tiến lên cao” (khẳng định yếu thượng thăng). Từ Tử Hùng dịch: “Phát triển thẳng về phía trước, đại cát đại lợi” (nên tiến phát triển, đại cát đại lợi).

Riêng Đặng Cầu Bá giảng “duẫn đăng” 允 登 là “liên tục chiêu binh mãi mã” (kế tục bất đoạn địa trưng tập binh viên). Ông căn cứ vào Nhĩ Nhã Thích hỗ và Hán Thư tập chú (Ứng Thiệu tập chú) giảng “duẫn” là “kế tục” (duẫn, kế dã).

Quẻ Địa Phong Thăng hào Cửu Nhị

Hào Cửu Nhị quẻ Địa Phong Thăng viết:

Phu nãi lợi dụng dược. Vô cữu. (孚 乃 利 用 禴   . 無 咎)

Dịch nghĩa: Hào Cửu Nhị quẻ Địa Phong Thăng là hào Dương: Dùng nô lệ làm vật hi sinh trong dịp tế mùa xuân không có vấn đề gì.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 2
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 2

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Chỉ cần có tâm thành tín thì dù lễ tế mùa xuân đạm bạc dâng lên cho thần linh phối hưởng cũng có lợi, không có gì hại” (Chỉ yếu tâm tồn thành tín tức sử dược tế vi bạc, dã lợi ư tiến hưởng thần linh, bất trí cữu hại). Từ Tử Hùng dịch: Trong dịp tế mùa xuân nên dùng bọn nô lệ làm vật tế, sẽ tránh được tai họa” (Xuân tế nghi dụng phu lỗ tác vi nhân sinh, tắc vô tai họa).

Bản Bạch Thư Chu Dịch không chép “dược” 禴 mà chép “trạc” 濯. Trương Lập Văn dịch: “Dùng nô lệ làm vật cúng tế trong buổi tế mùa xuân thì có lợi, không có lo lắng tai họa gì” (Dĩ phu lỗ vi sinh, tắc lợi ư dược tế , một hữu tai hoạn). Trương Lập Văn giảng “trạc” là giả tá cho “dược” nên đồng nghĩa. Tống Tộ Dân dịch giống như Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ nhưng giảng hào này là lời cảnh cáo của Chu Lệ Vương đối với quần thần.

Bản Bạch Thư Chu Dịch không chép “phu” 孚 mà chép “phục” 復 . Căn cứ vào đó Shaughnessy dịch: “Trở về xong tiến hành lễ tế mùa xuân thì có lợi, không có gì rắc rối”. Đặng Cầu Bá giảng “phục” 復 là “chiêu tập binh sĩ xong quay trở về” (trưng tập binh viên quy lai) còn “trạc” 濯 là “cuộc chinh phạt lớn” (đại chinh). Ông dịch trọn hào như sau: “Chiêu tập được một số lớn binh sĩ xong trở về doanh trại, gây chiến tranh lớn có lợi, bói cỏ thi thì được quẻ bói nói không có tai hại gì” (Trưng tập liễu đại lượng đích binh viên hồi doanh, lợi ư đại chiến, vấn thi đắc đáo liễu một hữu thập ma tai cữu đích chiêm đoán).

Quẻ Địa Phong Thăng hào Cửu Tam

Lời hào Cửu Tam quẻ Địa Phong Thăng viết:

Thăng hư ấp. (升 虛 邑)
Dịch nghĩa: Hào Cửu Tam là hào Dương: Chiêu tập binh sĩ tại một thành phố nằm trên gò cao.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 3
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 3

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Thăng lên thông suốt như tiến thẳng vào một thành phố không người: (Thượng thăng thuận sướng do như trực nhập không hư đích thành ấp). Tống Tộ Dân giảng “hư ấp” 虛 邑 là “xây dựng thành ấp tại núi đồi” (kiến trúc tại sơn khâu thượng đích thành ấp). Lục Đức Minh dẫn Mã Dung giảng “hư” 虛 tức là “gò ” (hư, khâu dã). Khổng Dĩnh Đạt giảng “thăng hư ấp” 升 虛 邑 là “giống như thăng vào một thành phố trống rỗng vậy” (nhược thăng không hư chi ấp). Trình Di giảng “giống như vào một thành phố không người vậy” (như nhập vô nhân chi ấp). Cao Hanh giảng “hư” là “gò lớn” (hư, đại khâu dã). “Hư ấp” là “thành phố nằm trên một cái gò lớn” (ấp tại đại khâu chi thượng giả dã).

Từ Tử Hùng dịch hào trên là: Lên cao trên một thành phố xây dựng trên gò lớn” (Đăng lâm vu kiến lập tại đại khâu chi thượng đích thành ấp).  Vậy Từ Tử Hùng hiểu “thăng” trong trường hợp này là “đăng” 登 .

Wilhelm dịch: “Người ta đẩy lên cao vào một thành phố trống rỗng”. Cleary và Shaughnessy dịch tương tự. Trương Lập Văn dịch ngược lại Từ Tử Hùng: “Leo lên một gò cao trong thành phố” (Đăng thượng ấp đích cao khâu). Lý KínhTrì cho rằng hào này nói chuyện tiến quân vào một thành phố trống (Giá thị chỉ tiến quân vu hư ấp). Đặng Cầu Bá giảng “đăng” 登 là “tập trung quyên góp đồ cúng tế” (trưng tập tể phẩm) còn “hư ấp” là chỉ Ân Khư 殷 墟 kinh đô nhà Ân. Trong Hán ngữ, “hư” 虛 cũng có thể làm giả tá cho “khư 墟 .

Theo Đặng Cầu Bá, hào này nói chuyện trưng thu quyên góp đồ cúng tại Ân Khư để chuẩn bị một buổi cúng tế lớn (trưng tập tế phẩm vu Ân Khư chuẩn bị đại đích tế tự). Chúng tôi vẫn cho rằng quẻ Địa Phong Thăng 升 (hay Đăng 登) cốt yếu nói chuyện chiến tranh nên dịch hào này như trên.

Quẻ Địa Phong Thăng hào Lục Tứ

Lời hào Lục Tứ quẻ Địa Phong Thăng viết:

Lục tứ. Vương dụng hanh vu Kỳ Sơn.  Cát. Vô cữu. (王 用 亨 于 岐 山 . 吉  . 無 咎).

Dịch nghĩa: Hào Lục Tứ quẻ Địa Phong Thăng là âm hào: Nhà vua thân hành cử hành đại điển tế tự tại núi Kỳ Sơn. Gieo quẻ được lời bói rất tốt, không có vấn đề gì.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 4
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 4

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Quân vương đến núi Kỳ Sơn làm lễ cúng tế thần linh. may mắn, không có tai hại” (Quân vương lai đáo Kỳ Sơn tế tự thần linh, cát tường, tất vô cữu hại). “Hanh” 亨 trong trường hợp này tức là “hưởng” 享 (cúng tế).

Kỳ Sơn tại Thiểm Tây, phía Đông Bắc huyện Kỳ Sơn. Trong lịch sử Tây Chu đây là lúc Cổ Công Đản Phụ thuộc bộ tộc Chu di dân từ đất Mân sang Kỳ Sơn xây dựng một vùng đất mới. Cổ Công Đản Phụ còn gọi là Thái Vương, ông nội Văn Vương. Mã Kỳ Sưởng cho rằng hào này nói chuyện Quý Lịch (cha Văn Vương) và Đế Ất (vua nhà Ân Thương) nhưng điều đó cũng vu vơ, không có căn cứ gì.

Lý Đỉnh Tộ dẫn Thôi Cảnh kể lại sự tích này: “Hào này nói về Thái Vương bị rợ bức bách, dời về chân núi Kỳ Sơn, trong một năm dựng nên thành phố, hai năm thì thành kinh đô, ba năm sau đã gấp năm lần lúc ban đầu” (Thử tượng Thái Vương vi địch sở bức tỷ Kỳ Sơn chi hạ, nhất niên thành ấp, nhị niên thành đô tam niên ngũ bội kỳ sơ).

Từ Tử Hùng dịch: “Vua nhà Chu tế tự quỷ thần tại núi Kỳ Sơn. Bói được hào này, may mắn, có lợi, lại không gặp xui xẻo tai họa” (Chu vương tại Kỳ Sơn tế tự quỷ thần. Phệ ngộ thử hào, cát lợi, bính vô tai họa).

Ý nghĩa hào này không có gì khó hiểu vậy mà Wilhelm dịch sai hẳn như sau: “Nhà vua cống nạp cho anh ta núi Kỳ Sơn. May mắn. Không có lỗi”. “Anh ta” đây là ai? Chắc hẳn phải là “cỡ bự” vì nhà vua còn phải đem dâng núi Kỳ Sơn cho.

Bản Bạch Thư Chu Dịch không đọc được hào này. Chỉ còn đọc được hai chữ cuối “vô cữu” 無 咎 .

Quẻ Địa Phong Thăng hào Lục Ngũ

Lời hào Lục Ngũ quẻ Địa Phong Thăng viết: Trinh cát. Thăng giai. (貞 吉 . 升 階)

Dịch nghĩa: Hào 5 Lục Ngũ quẻ Địa Phong Thăng là hào Âm: Bói được quẻ rất tốt, nên tập trung thang để leo lên thành tấn công.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 5
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 5

Giải thích:

Hùng Lương Phụ theo Chu Dịch chiết trung dẫn lại giảng: “Thuận hành mà lên như bước theo từng bậc thang vậy” (Dĩ thuận nhi thăng, như lịch giai nhiên). Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: “Kiên trì giữ được trinh chính, có được may mắn, nương theo bậc thang từng bước một leo lên cao” (Thủ Trì chính cố khả hoạch cát tường, tựu tượng duyên trước giai cấp bộ bộ thượng thăng). Wilhelm dịch: “Sự kiên trì đem lại may mắn. Người ta đẩy lên từng bước”.

Bản Bạch Thư Chu Dịch chép trinh cát, đăng giai 貞 吉 . 登 階 . Đặng Cầu Bá giảng “giai” 階 tức là “cái thang” theo bản chú Mạnh Tử: “Giai, thê dã”. Ông giảng hào trên như sau: “Bói cỏ thi được quẻ tốt. Trưng tập thang dùng để tấn công thành” (Vấn thi đắc cát chiêm. Trưng tập công thành dụng đích thê tử). Chúng tôi theo cách giảng này.

Tống Tộ Dận giảng “trinh” 貞 là chỉ việc “tự cường bất tức” (luôn nỗ lực tự cường không biết mệt mỏi). Ông giảng hào này ám chỉ việc Chu Lệ Vương đức vượt cao hơn cả Văn Vương và Võ Vương nên dịch như sau: “Căn cứ vào chính đạo là tự cường bất tức mới gặp may mắn, có lợi, hình tượng là cây đại thụ lớn vượt cả đài cao” (Bằng trước hợp vu tự cường bất tức đích chính đạo nhi cát lợi, tượng đại thụ trưởng đắc hựu siêu quá liễu nhất cá đài giai).

Giảng như Tống Tộ Dận thì rõ ràng là tưởng tượng quá mức. Chẳng hạn hình tượng “đại thụ” không biết ông lấy ở đâu ra. Còn chuyện “tự cường bất tức” cũng chỉ là miễn cưỡng gán ép mà thôi.

Từ Tử Hùng dịch: “Bói được quẻ rất tốt, chuyện hỏi trong quẻ dần dần từng bước phát triển” (Chiêm đắc cát triệu, sở chiêm chi sự tương trục bộ phát triển). Cách giảng này cũng rất hợp lý. Trươn g Lập Văn dịch: “Bói được quẻ may mắn, căn cứ theo đó từng bước tiến lên cao” (Bốc vấn tắc cá tường, y thứ bộ bộ thượng tiến).

Quẻ Địa Phong Thăng hào Thượng Lục

Lời hào Thượng Lục quẻ Địa Phong Thăng viết:

Thượng Lục. Minh thăng. Lợi vu bất tức chi trinh. (冥 升 . 利 于 不 息 之 貞)

Dich nghĩa: Hào trên cùng quẻ Địa Phong Thăng là hào Âm: Ban đêm vẫn tiếp tục chiêu tập  binh sĩ vì bói được quẻ phán rằng cần phải tích cực tiến hành công việc không được ngừng lại thì mới đạt được thắng lợi.

Quẻ Địa Phong Thăng - Hào 6
Quẻ Địa Phong Thăng – Hào 6

Giải thích:

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ dịch: Tối tăm ngu muội thậm tệ mà vẫn đi lên cao được, kiên trì chính đạo không biết mệt mỏi thì có lợi” (Hôn muội chí thậm khước nhưng nhiên thượng thăng, lợi vu bất đình tức địa thủ từ chính cố). Như vậy hai nhà Dịch học này giảng “minh” 冥 là “tối tăm ngu muội” (hôn muội) . Wilhelm giảng “minh” là “bóng tối“ nên dịch: “Đi lên trong bóng tối. Kiên trì không nghỉ thì có lợi”.

Từ Tử Hùng dịch: “Đêm khuya không ngủ, siêng năng cần mẫn công tác để phù hợp với quẻ bói tốt lành này” (Thâm dạ bất miên, cần miễn bất tức địa công tác tắc phù hợp thử cát triệu). Trương Lập Văn dịch: Đêm khuya mà vẫn còn muốn tiến lên, bói được quẻ nói rằng có lợi nếu cứ tiếp tục tiến về phía trước không ngơi nghỉ. (Dạ vãn nhưng cầu thượng tiến, chiêm vấn tắc hữu lợi ư bất hưu chỉ địa tiền tiến).

Đặng Cầu Bá giảng “minh đăng“ 冥 登 là “đêm khuya chiêu tập binh sĩ” (dạ vãn trưng tập binh viên). Tống Tộ Dận dịch: “Trong sự phát triển một cách không tự giác, cứ dựa vào chính đạo tự cường bất tức thì lúc nào cũng có lợi” (Tại bất tri bất giác địa phát triển, bằng trước tự cường bất tức đích chính đạo nhi đắc đáo hảo xứ).

Tống Tộ Dận cho rằng ý chính hào này mang tính tổng kết: khuyến khích Chu Lệ Vương nên “tự cường bất tức” làm cho vương triều Tây Chu ngày càng phát triển vĩ đại hơn (Cổ lệ Chu Lệ Vương tự cường bất tức, sử Tây Chu vương triều trục tiệm cường đại khởi lai).

Cao Hanh dịch nghe khá buồn cười như sau: Ban đêm không nghỉ, vẫn cầu tiến lên” (Hôn dạ bất hưu, dĩ cầu thượng tiến). Lý Kính Trì nghe tốt hơn: “Ngày đêm phát triểu không ngừng, đây là khí tượng hưng thịnh phát đạt” (Nhật dạ bất đình địa phát triển, giá thị hưng vượng phát đạt đích khí tượng).

Quẻ Địa Phong Thăng phần Tổng Luận

Trương Thiện Văn và Hoàng Thọ Kỳ tổng luận về quẻ Địa Phong Thăng như sau: “Quẻ Địa Phong Thăng nói rõ quy luật sự vật thuận thế đi lên, tích tiểu thành đại. Quái Từ ca ngợi thời thượng thăng là rất hanh thông, nhấn mạnh quẻ Thăng hợp với sự xuất hiện bậc đại nhân gồm đủ cương trung mỹ đức, có thể thông suốt xuôi thuận tiến lên, hướng đến quang minh, được sự may mắn. Cả sáu hào trong quẻ tập trung phản ánh đạo thuận thế để tiến lên.

Hào Sơ Lục nhu thuận, thừa hai hào Dương kế trên, Âm Dương hợp chí tiến lên. Hào Cửu Nhị cương trung, thuận ứng nhu trung, tâm giữ thành tín ắt đi lên. Hào Cửu Tam Dương cương hiền hoà khiêm tốn, thuận thăng không gặp trở ngại, giống như đi vào ấp không người. Hào Lục Tứ nhu chính, thuận tòng bậc tôn quý, ắt được thăng và tốt. Hào Lục Ngũ nhu trung ứng hạ, thăng như đi trên bậc thềm thẳng lên. Chỉ có hào Thượng Lục ngu muội mà vẫn lên cao, thế của nó sắp tiêu mất, cần phải cảnh giác và giữ chính đạo, không được vọng động.

Có thể thấy, quẻ này chủ ở thuận thăng, nhấn mạnh việc thuận theo quy luật tự nhiên, khá khác biệt với ý nghĩa tiến lên ở quẻ Hỏa Địa Tấn, tức là thuận theo ánh sáng của bề trên mà tích cực tiến lên.

Liễu Tông Nguyên viết truyện Chủng Thụ Quách Thác Đà đã mượn phép trồng cây mà châm biếm đạo làm quan, xử thế. Ông hết sức ca ngợi bí quyết trồng cây của Thác Đà là “Thuận mộc chi thiên, dĩ trí kỳ tính” (thuận theo quy luật của cây để hiểu tính của nó).

Đại Tượng Truyện nói “Địa trung sinh mộc, thăng, quân tử dĩ thuận đức, tích tiểu dĩ cao đại”地 中 生 木 . 升 . 君 子 以 順 德 . 積 小 以 高 大 là tương hợp với ngụ ý trong truyện nói trên của Liễu Tông Nguyên. Mã Chấn Bưu rất chí lý khi nói: Lời Quách Thác Đà đạt được ý nghĩa của Dịch.

Danh lợi đã lên quá mức rồi

Ngừng tay dừng bước cũng vừa thôi

Hạ mình xuống thấp thì công vững

Phúc khánh trùng trùng mặc sức chơi

Quẻ Địa Phong Thăng với thời kỳ Nhân Tuyên Chi Trị

“Tam Dương” phò chúa, mở ra “Nhân Tuyên Chi Trị”, đây là thời kỳ Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông chuyên tâm trị quốc, giúp triều Minh bước vào thời kỳ toàn thịnh, lịch sử gọi là ” Nhân Tuyên Chi Trị” ( Nền thịnh trị Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông)

Quẻ Địa Phong Thăng với thời kỳ Nhân Tuyên Chi Trị
Quẻ Địa Phong Thăng với thời kỳ Nhân Tuyên Chi Trị

Sấm viết:

Chi phát quyết vinh, Vi quốc chi đống.

Hạo hạo hy hy, Khang lạc lợi chúng.

Dịch nghĩa:

Cành mọc tươi tốt, Rường cột nước nhà.

Rộn ràng vui vẻ, dân chúng an hòa.

Tụng viết:

Nhất chi hướng bắc, nhất chi đông.

Hựu hữu nam chi chủng diệc đồng.

Vũ nội đồng ca hiền mẫu đức.

Chân hữu tam đại chi di phong.

Dịch nghĩa:

Một cành hướng bắc, một cành đông.

Lại có cành nam loại tương đồng.

Vũ trụ ngợi ca đức hiền mẫu.

Thật có di phong của ba đời.

Kim Thánh Thán bình chú:

Tượng này dự đoán vào thời kỳ Tuyên Tông, Trương thái hậu trọng dụng ba người họ Dương là Dương Sĩ Kỳ, Dương Phổ và Dương Vinh, nhờ thế mà thiên hạ lại được hưởng thái bình. Ba người này trị quốc theo phong cách tam đại (ba đời Hạ, Thương, Chu), người thời đó gọi Sĩ Kỳ là Tây Dương, Phổ là Nam Dương và Vinh là Đông Dương.

Ý nghĩa của đồ hình

Trong hình có ba cây liễu, ám chỉ ba vị đại thần họ Dương của triều Minh là Dương Vinh, Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ. Thế của ba cây mọc tươi tốt, ám chỉ ba người nắm trọng quyền trong tay, là nhân tài trụ cột có cống hiến nhất định cho xã tắc và nhân dân.

Ý nghĩa của bài thơ

Tượng này dự đoán về ba vị hiền thần của triều Minh, là Dương Vinh, Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ, họ một lòng phò tá quân vương, khiến triều Minh ở vào thời kỳ toàn thịnh từ sau khi xây dựng đất nước.

Cành mọc tươi tốt, rường cột nước nhà“, lời sấm mượn hình ảnh cây cối mọc tươi tốt để ví với ba vị triều thần là nhân tài trụ cột của quốc gia. Có học giả phân tích rằng, chữ “khuyết“ (闕) là chỉ cửa cung, nhưng chữ “quyết” (厥) trong lời sấm thiếu mất một bên, tượng trưng cho cửa cung mở rộng, ám chỉ vào thời kỳ Nhân Tông và Tuyên Tông triều Minh, dưới sự nỗ lực của ba vị đại thần họ Dương, triều đình đã mở rộng đường cho dân nói.

  • Rộn ràng vui vẻ, dân chúng an hoà“ chính là chỉ triều Minh vì thế mà thực hiện được thiên hạ đại trị, dân chúng yên vui.
  • Hai câu đầu trong lời tụng đã nói về ba người họ Dương, trong đó
    • Một cành hướng bắc“ là chỉ Dương Vinh từng theo Chu Đệ chinh phạt phương bắc tiêu diệt tộc Mông Cổ.
    • Một cành đông“ là chỉ Dương Sĩ Kỳ, bởi lẽ ông có biệt danh là Đông Lý.
    • Lại có cành nam“ là chỉ Dương Phổ, ông vào nội các muộn nhất trong ba người, khi đó được gọi là Nam Dương.
  • Vũ trụ ngợi ca đức hiền mẫu“, ” hiền mẫu” ở đây là chỉ Trương thái hậu, bà là hoàng hậu của Minh Nhân Tông, quốc mẫu của ba triều Nhân Tông, Tuyên Tông và Anh Tông, được mệnh danh là “nữ trung Nghiêu Thuấn” (là vua Nghiêu, vua Thuấn trong giới phụ nữ).
  • Thật có di phong của ba đời” mang hai ý nghĩa: thứ nhất là dùng để ca tụng cảnh thịnh thế dưới sự trị vì của hai vua triều Minh là Nhân Tông và Tuyên Tông, thứ hai là ám chỉ Trương thái hậu đảm đang tháo vát, quán xuyến mọi việc, khích lệ Tuyên Tông, Anh Tông chăm lo trị quốc.

Tượng trong Kinh Dịch – Quẻ Địa Phong Thăng

Tượng này tương ứng với quẻ Địa Phong Thăng trong “Kinh Dịch”, quẻ trên là quẻ Khôn, đại diện cho đất. quẻ dưới là quẻ Tốn, đại diện cho cây, toàn bộ quẻ tượng cho thấy rõ hình ảnh cây mọc tốt tươi trên mặt đất, liên tục phát triển, từ yếu tới mạnh, từ bé tới lớn, cuối cùng trở nên rậm rạp xanh tươi.

Lời tượng là: “Thăng, nguyên hanh, dụng kiến đại nhân, vật tuất. Nam chinh cát” biểu thị sự thuận lợi, thông suốt, thời điểm này có lợi cho bái kiến vương hầu ở ngôi vị cao quý, sẽ không gặp trở ngại gì. Bói được quẻ này, xuất quân tiến đánh phía nam sẽ gặp may mắn.

“Thoán viết: Nhu dĩ thời thăng, Tốn nhi thuận, cương trung nhi ứng, thị dĩ đại hanh, dụng kiến đại nhân, vật tuất, hữu khánh dã. Nam chinh cát, chí hành dã“.

Lời thoán cho rằng, hào đầu của quẻ Địa Phong Thăng ở vị trí hào âm, thuận thế thay đổi từ phía dưới, dần dần tiến lên phía trên, đây cũng chính là hình thức cơ bản của quẻ Địa Phong Thăng.

Phía trên quẻ Thăng là quẻ Khôn đại diện cho sự ôn hoà, phía dưới là quẻ Tốn đại diện cho sự khiêm nhường, hào Cửu Nhị lại ở vị trí giữa của quẻ dưới, hào Lục Ngũ ở vị trí giữa của quẻ trên, cho thấy có thể khiêm tốn, thận trọng đối với bên trong, hoà nhã, nhẹ nhàng đối với bên ngoài, giữa quân chủ và thần dân nhường nhịn lẫn nhau, hai bên đều giữ được đạo trung chính, toàn bộ đất nước cũng vì thế mà hoà hợp thống nhất.

Trong lời quẻ có viết “dụng kiến đại nhân, vật tuất” có nghĩa là sắp xảy ra sự kiện đáng được chúc mừng. “Nam Chính cát”, ý nói lúc này xuất quân chinh phạt, sẽ giành thắng lợi.

“Tượng viết: Địa trung sinh mộc, thăng. Quân tử thuận đức, tích tiểu dĩ cao thái”.

Lời tượng cho rằng quẻ trên của quẻ Địa Phong Thăng là Khôn Thổ, quẻ dưới là Tốn Mộc, cho thấy cây được vun trồng trên đất. Nếu quân tử có thể hiểu rõ đạo lý này, tuân thủ phép tắc, giữ vững đạo nghĩa, luôn chú ý tới lời nói và cử chỉ của bản thân, dù là chi tiết nhỏ nhất cũng không bỏ qua, có thể vun đắp được phẩm chất cao thượng.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 1 – Nhân Tuyên Chi Trị

Sơ Lục: Doãn thăng, đại cát“.

Ý nói mau chóng phát triển về phía trước sẽ gặp may mắn, thuận lợi.

Tượng viết: Doãn thăng, đại cát, thượng hơp chí dã“.

Lời tượng cho rằng phát triển hướng lên trước sẽ gặp may mắn là vì thực hiện đúng ý chí. Hào này dự đoán, sau khi Chu Đệ qua đời, triều Minh kết thúc cục diện chiến tranh liên miên, trở lại cảnh thái bình, quan hệ quân thần hoà hợp, cuộc sống của bách tính ngày một ổn định.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 2 – Nhân Tuyên Chi Trị

Cửu nhị: Phu nãi lợi dụng thược, vô cữu“.

Ý nói vào mùa xuân tế lễ, dùng thân thể của tù binh làm vật dâng cúng thần linh và tổ tiên sẽ không gặp tai hoạ.

“Tượng viết: Cửu nhị chi phu, hữu hĩ dã“.

Lời tượng cho rằng hào Cửu Nhị khuyên răn con người kính cẩn trước quỷ thần, làm được vậy sẽ gặp được nhiều chuyện vui. Hào này dự đoán có được sự trợ giúp của ba người Dương Sĩ Kỳ, Dương Phổ và Dương Vinh, Minh Tuyên Tông nỗ lực trị quốc, đẩy mạnh hàng loạt chính sách có lợi cho phát triển quốc lực, dần dần đưa đất nước đến cảnh thái bình, yên ấm, phát triển thịnh vương.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 3 – Nhân Tuyên Chi Trị

Cửu tam: Thăng hư ấp

Có nghĩa là leo lên thành lầu ở trên núi cao.

Tượng viết: Thăng hư ấp, vô sở nghi“.

Lời tượng cho rằng leo lên thành lầu có thể quan sát xa hơn, trong lòng cũng sẽ thấu tỏ mà không còn vướng bận gì. Hào này dự đoán sau khi Minh Tuyên Tông lên ngôi, nhờ sự trợ giúp của Dương Vinh đã mau chóng bình định quân phiến loạn của Hán Vương Chu Cao Húc, chính cục ổn định, trong lòng tự khắc không còn vướng bận gì.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 4 – Nhân Tuyên Chi Trị

Lục Tứ: Vương dụng hưởng vu Kỳ Sơn. Cát. vô cữu“.

Ý nói thiên tử triều Chu tới Kỳ Sơn tế lễ thần linh, chiêm bốc được hào này sẽ gặp may mắn, không xảy ra tai hoạ gì.

Tượng viết: Vương dụng hưởng vu kỳ Sơn, thuận sự dã“.

Lời tượng cho rằng thiên tử triều Chu khi tế lễ, chiêm bốc được quẻ này, sở dĩ không gặp tai họa là vì mọi việc làm đều thuận theo đạo trời. Hào này dự đoán Tuyên Tông có thể xử lý tốt mối quan hệ vua tôi, cũng có thể hòa giải tốt mối quan hệ giữa các đại thần, lại biết tuân thủ phép tắc tổ tiên, do đó đã làm nên đại nghiệp.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 5 – Nhân Tuyên Chi Trị

Lục Ngũ: Trinh cát. thăng giai“.

Có nghĩa là chiêm bốc có được kết quả may mắn, sự việc đang tiến hành cũng sẽ phát triển thuận lợi.

Tượng viết: Trinh cát, thăng giai, đại đắc chi dã“.

Lời tượng cho rằng kiên trì giữ vững chính nghĩa sẽ gặp may mắn, sự nghiệp cũng sẽ phát triển. Ở đây cho thấy chí hướng được thực thi, lý tưởng cũng được thực hiện. Hào này dự đoán sau khi Minh Tuyên Tông qua đời, trao lại quyền lực cho Anh Tông, do lúc này Anh Tông còn nhỏ. nên Trương thái hậu được quyền buông rèm nhiếp chính. Trương thái hậu trọng dụng các đại thần Dương Sĩ Kỳ, Dương Phổ, Dương Vinh, khiến triều chính trong sạch. đất nước duy trì được sự giàu mạnh.

Quẻ Địa Phong Thăng hào 6 – Nhân Tuyên Chi Trị

Thượng Lục: Minh thăng, lợi vu bất tức chi trinh“.

Ý nói nếu làm việc cần cù, thậm chí suốt đêm không chợp mắt, sẽ có được kết quả may mắn.

Tượng viết: Minh thăng tại thượng, tiêu bất phú dã“.

Lời tượng cho rằng hào Thượng Lục suốt đêm không chợp mắt là vì hào Thượng Lục ở vị trí đầu tiên của quẻ Địa Phong Thăng, ở cao vút phía trên, có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Nhưng nếu giữ vững chính đạo, thận trọng ứng phó trước mọi vấn đề, có thể giải trừ được tai họa. Hào này dự đoán triều Minh dưới sự lãnh đạo của Trương thái hậu và ba đại thần họ Dương, sẽ ứng phó được mọi vấn đề, đặt nền tảng vững chắc cho đất nước đạt tới toàn thịnh trong thời kỳ Anh Tông thân chính.

Lịch sử ẩn phía sau tượng quẻ Thăng

Con trai trưởng của Minh Thành Tông Chu Đệ là Chu Cao Sí, vào thời kỳ Chu Nguyên Chương mới tại vị, từng phụng mệnh hoàng đế cùng với ba thế tử của Tần Vương, Tấn Vương, Chu Vương chia nhau kiểm duyệt vệ sĩ, người cuối cùng trở về báo các kết quả lên Chu Nguyên Chương là Chu Cao Sí. Chu Nguyên Chương hỏi lý do về muộn thì Chu Cao Sí nói: “Thời tiết buổi sáng quá lạnh, cháu để binh sĩ ăn cơm xong, nóng người lên mới kiểm duyệt, bởi vậy trở về muộn”.

Sau đó bốn vị thế tử lại chia nhau đọc tấu chương của quần thần. Khi báo cáo lên Chu Nguyên Chương, Chu Cao Sí lại không hề nhắc tới lỗi sai về câu chữ, chỉ chuyên chú vào sự việc liên quan tới ích lợi quân dân. Chu Nguyên Chương không hiểu, lại cho rằng Chu Cao Sí không tìm ra lỗi sai trong tấu chương, Chu Cao Sí giải thích rằng: “Khi cháu đọc tấu thư, cháu vô cùng cẩn thận, sao không nhìn thấy những lỗi sai đó? Nhưng nếu cháu chỉ chăm chăm vào những lỗi nhỏ này sẽ rất lãng phí thời gian vàng bạc của ông”.

Chu Nguyên Chương từng hỏi Chu Cao Sí: “Vào thời vua Nghiêu trị vì, xảy ra lũ lụt, vào thời vua Thang trị vì, xảy ra hạn hán, vậy dân chúng dựa vào gì để sinh sống?”. Chu Cao Sí trả lời: “Họ đã dựa vào quân vương, người có thể chăm sóc họ, quân vương như vậy là thánh nhân thực sự”. Sau nhiều lần “sát hạch” như vậy, Chu Nguyên Chương tỏ ra rất thích thú đứa cháu này, cho rằng ông có phong cách của quân vương.

Chu Đệ cũng rất yêu quý Chu Chiêm Cơ (con trai trưởng của Chu Cao Sí) giống như Chu Nguyên Chương yêu quý Chu Cao Sí. Khi Chu Chiêm Cơ mới lên ngôi vừa tròn một tháng. Chu Đệ đã khen ngợi nói: “Đứa cháu này quả là có khí chất hơn người!”. Còn ngay từ lúc Chu Chiêm Cơ được phong làm hoàng thái tôn, Chu Đệ đã thường xuyên ca ngợi cháu trước mặt Chu Cao Sí rằng: “Đứa trẻ này nhất định sẽ trở thành thái bình thiên tử!”.

Khi đó, Chu Cao Sí và Chu Cao Húc đang ngấm ngầm tranh giành ngôi vị hoàng đế. Trong lúc Chu Đệ còn đang đắn đo chưa biết chọn ai thì văn uyên các học sĩ Giải Tấn đề xuất: “Hoàng trưởng tử nổi tiếng là nhân hiếu, sau này nhất định sẽ khiến thiên hạ quy thuận”. Thấy Chu Đệ không nói gì, Giải Tấn dập đầu nói tiếp: “Còn có một thánh tôn rất giỏi”, câu nói này đánh trúng tâm lý của Chu Đệ, thế là ông quyết định lập Chu Cao Sí làm người kế vị.

Sau khi Chu Đệ qua đời, Chu Cao Sí lên ngôi, chính là Minh Nhân Tông, song thời gian chấp chính rất ngắn, mới được một năm thì ông đã qua đời. Chu Chiêm Cơ lên ngôi kế vị, chính là Minh Tuyên Tông trong lịch sử. Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông là hai vị hoàng đế chăm lo trị quốc. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và Minh Thành Tổ Chu Đệ dựa vào vũ lực để cướp đoạt thiên hạ, còn Minh Nhân Tông và Minh Tuyên Tông lại không làm vậy, họ nghỉ ngơi cùng dân, thực thi các chính sách nhân từ. Khi đó xã hội phát triển rất mạnh mẽ, triều Minh ở vào thời kỳ toàn thịnh, lịch sử gọi là “Nhân Tuyên chi trị“.

Nói tới “Nhân Tuyên chi trị”, không thể không nhắc tới ba vị công thần của thời kỳ này, họ là Dương Vinh, Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ, cũng chính là “tam Dương” nổi tiếng trong lịch sử triều Minh. Liên quan tới ba vị này, trong quyển 7 “Ngọc đường tùng ngữ” của Tiêu Hông triều Minh có viết: “Vào những năm Chính Thống, Văn Trinh (Dương Sĩ Kỳ) là Tây Dương, Văn Mẫn (Dương Vinh) là Đông Dương, phân biệt dựa vào nơi ở. Văn Định (Dương Phổ) là vọng tộc trong quận, viết là quận Nam, người đời gọi là Nam Dương. Tây Dương có tướng tài, Đông Dương có tướng nghiệp, Nam Dương có tương độ. Nên luận về tướng hiền của triều ta, tất phải nhắc tới tam Dương.”

Tây Dương trong “tam Dương” là chỉ Dương Sĩ Kỳ. Dương Sĩ Kỳ là người có học vấn phẩm hạnh cao nhất trong ba người, điều này có liên quan tới tuổi thơ cơ cực, kham khổ, và đức tính cần cù hiếu học từ nhỏ của ông. Dựa vào tài năng xuất chúng, ông đã từng bước tiến vào vũ đài chính trị. Sự nghiệp của ông đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Minh Thành Tổ Chu Đệ. Khi đó “Tĩnh nạn chi dịch” vừa kết thúc, Chu Đệ mới đăng cơ, vì muốn ổn định chính cục, đã lệnh cho nhóm Dương Sĩ Kỳ chuyển từ Hàn Lâm viện vào nội các, tham gia chế định sách lược trị quốc. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 2, Dương Sĩ Kỳ được đề bạt làm quan phò tá hoàng thái tử, từ đó kết tình sư hữu (vừa là thầy vừa là bạn) với Chu Cao Sí, chính là Minh Nhân Tông sau này. Sau khi Chu Cao Sí lên ngôi, Dương Sĩ Kỳ được đề bạt làm Lễ bộ tả thị lang kiêm Hoa Cái điện đại học sĩ.

Mối quan hệ giữa Dương Sĩ Kỳ và Nhân Tông vô cùng thân thiết. Chu Cao Sí từng ban tặng ông một chiếc ấn bạc, bên trên khắc dòng chữ “thằng diễn củ mậu“ (ngăn chặn phạm tội, sửa chữa sai lầm). Có được chiếc ấn này, Dương Sĩ Kỳ có thể mật tấu lên hoàng đế những hành vi phạm pháp của hoàng thân quý tộc, điều này có tác dụng tích cực đối với việc chỉnh đốn quan lại, duy trì đất nước ổn định. Khi đó Lý Khánh từng đề xuất lên hoàng đế phân phát số quân mã dư thừa cho quan lại địa phương, song Dương Sĩ Kỳ cực lực phản đối, ông đã dâng sớ lên hoàng đế ngăn cản việc này. Nhưng vì muốn bảo Vệ Dương Sĩ Kỳ nên Nhân Tông cố ý không phê chuẩn ý kiến của ông, còn khi án sát sứ Thiểm Tây Trần Trí dâng biểu thì lại đồng ý bác bỏ ý kiến của Lý Khánh. Qua đó có thể thấy được mức độ thân thiết trong quan hệ vua tôi.

Đối với Dương Sĩ Kỳ, mối quan hệ vua tôi thân thiết này là điều kiện giúp ông có được sự ưu ái. Song ông lại không lấy đó để cầu mưu lợi cho bản thân, trái lại còn đề xuất lên Nhân Tông rất nhiều chính sách có lợi cho xã tắc và bách tính. Khi Nhân Tông mới lên ngôi, rất nhiều quan văn võ trong triều tỏ ra thờ ơ chính sự, suốt ngày vui chơi ca hát. Chứng kiến cảnh tượng này, Dương Sĩ Kỳ vẫn luôn khuyên Nhân Tông tuy sống trong cảnh thanh bình nhưng vẫn phải lo lúc lâm nguy, cần quan tâm chăm sóc bách tính. Bởi vậy, có thể nói rằng Chu Cao Sí trở thành quân chủ anh minh là nhờ vào sự nỗ lực của Dương Sĩ Kỳ. Sau này Chu Cao Sí qua đời, Dương Sĩ Kỳ đương nhiên trở thành cố mệnh đại thần cao nhất vào thời kỳ phò tá Minh Tuyên Tông, Dương Sĩ Kỳ vô cùng coi trọng sự trong sạch của chính trị. Ông tích cực chỉnh đốn tham quan ô lại, tiến cử nhân tài lên Tuyên Tông. Dương Sĩ Kỳ luôn lấy mình làm gương để quần thần văn võ trong triều noi theo. Nhờ có sự nỗ lực của nhóm Dương Sĩ Kỳ mà triều Minh có được một xã hội phát triển ổn định, dân chúng an cư lập nghiệp.

Đông Dương trong “tam Dương” là chỉ Dương Vinh. Dương Vinh là người mưu trí nhất trong “tam Dương”. Trong “Minh sử” ghi chép ông là người “nhạy bén sáng suốt, giỏi quan sát sắc mặt và lời nói”, Cống hiến lớn nhất của ông đối với triều Minh là xử lý ổn thoả vấn đề biên phòng. Vào thời Minh Thành Tổ Chu Đệ cai trị, ba bộ tộc Mông Cổ vẫn ngoan cố chiến đấu, chưa chịu quy thuận triều Minh. Dương Vinh từng năm lần theo Chu Đệ đi trấn áp phiến loạn Mông Cổ. Trong suốt quá trình này, ông luôn tỏ ra nhạy bén, túc trí đa mưu, có nhiều kiến giải xuất sắc, rất được Chu Đệ tán thưởng.

Theo tài liệu lịch sử ghi chép, trên đường khải hoàn trở về kinh thành, Chu Đệ bệnh nặng qua đời. Rất nhiều quan viên đi theo lúc đó lúng túng không biết phải làm sao. Dương Vinh lâm nguy không nao núng, vẫn rất bình tĩnh cho rằng nơi này cách kinh thành khá xa, không được để lòng quân phân tán, bởi vậy đã quyết định chưa phát tang ngay, mà đặt thi hài Chu Đệ lên xe, tiếp tục lên đường như không có chuyện gì xảy ra. Tới giờ ăn, Dương Vinh vẫn cho người dâng cơm lên Chu Đệ như bình thường. Dương Vinh trở về kinh sư trước, bẩm báo tình hình lên thái tử để sớm tìm ra kế sách phù hợp. Kết quả là Chu Cao Sí thuận lợi đăng cơ mà không xảy ra sự phản đối nào. Cũng nhờ có cống hiến xuất sắc mà Dương Vinh được phong làm thái tử thiếu bá, Cẩn Thân điện đại học sĩ, kiêm Công bộ thượng thư.
Sau này, khi Chu Cao Sí qua đời, Chu Chiêm Cơ lên ngôi, Hán Vương Chu Cao Húc thừa cơ phát động binh biến, nhờ sự trợ giúp của Dương Vinh mà Tuyên Tông hoàng đế trẻ tuổi ngự giá thân chinh, ra quân một trận mà đánh bại Chu Cao Húc, chiến loạn mau chóng được dẹp yên. Trong thời gian phò tá quân vương, Dương Vinh chủ trương thực thi chính sách nhân từ. Điều này không chỉ thúc đẩy sản xuất và phát triển nông nghiệp ở một mức độ rất lớn, mà quan trọng hơn nữa là ông đã giúp hoàng đế có được lòng tin của nhân dân.

Nam Dương trong “tam Dương” là chỉ Dương Phổ. Dương Phổ là người có phong cách xử lý công việc đặc sắc nhất. Theo tài liệu lịch sử ghi chép, thời trẻ Dương Phổ không thuận lợi trên con đường công danh, ông liên tục gặp thất bại, bởi vậy đã hình thành trong ông tính cách thận trọng trong xử lý công việc. Nhờ có tính cách này mà mỗi lần gặp nguy ông không hề nao núng, luôn tạo cho mọi người cảm giác tin tưởng. Dương Phổ là một vị quan thanh liêm, luôn lấy mình làm gương cho các quan trong triều noi theo. Nếu trong thời kỳ Tuyên Tông chuyên tâm chỉnh đốn chế độ quan lại, có được người đưa ra quyết sách dứt khoát như Dương Sĩ Kỳ quả là hữu ích, song vào lúc cần giữ vững thành quả của người đi trước, có được nhân tài như Dương Phổ sẽ có được sự trợ giúp đắc lực, có đóng góp to lớn trong việc duy trì và bảo vệ sự ổn định của đất nước.

“Tam Dương” trải qua bốn triều là Vĩnh Lạc, Hồng Hy, Tuyên Đức và Chính Thống, họ đều một lòng phò tá quân vương, đóng vai trò không thể thay thế đối với sự phát triển xã hội và ổn định đất nước của triều Minh. Trong ba người, Dương Vinh tài trí nhất, song có lối sống xa hoa, thường xuyên nhận hối lộ của các tướng lĩnh và quan viên vùng biên giới. Sau khi biết chuyện này, Tuyên Tông hỏi ý kiến Dương Sĩ Kỳ. Dương Sĩ Kỳ nói rằng: “Dương Vinh thông thạo chuyện biên cương, là nhân tài hiếm có, không nên vì chút chuyện cỏn con này mà trách móc ông ta”. Tuyên Tông nghe vậy cười nói: “Khanh thường nói tốt cho ông ta, nhưng ông ta lại toàn nói xấu khanh trước mặt ta”. Dương Sĩ Kỳ còn thỉnh cầu Tuyên Tông hãy ưu ái Dương Vinh giống như đối xử với mình. Chuyện này đến tai Dương Vinh, ông ta cảm thấy rất xấu hổ, từ đó về sau đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với Dương Sĩ Kỳ.

Năm 1435, Tuyên Tông qua đời, Chu Kỳ Trấn lên ngôi, chính là Minh Anh Tông trong lịch sử. Do Anh Tông vẫn nhỏ tuổi nên quần thần mời Trương thái hậu buông rèm nhiếp chính, bà tuân theo phép tắc tổ tiên, không đồng ý chuyện này. Trương thái hậu khi còn là thái tử phi đã nổi tiếng là người hiền đức. Bà chú trọng tới việc trị gia, không cho phép người bên ngoại can dự đại sự trong triều, còn khiến hoạn quan Vương Chấn kinh sợ mà không dám lộng hành. Bà dạy Anh Tông tiếp tục thực thi chính sách của ông và cha, khen ngợi và tán dương phong cách trị quốc của “tam Dương”, quyết định trọng dụng họ phò tá tiểu hoàng đế.

Một lần, Trương thái hậu cho gọi Anh Tông tới điện, cũng truyền gọi “tam Dương”, Anh quốc công Trương Phụ, thượng thư Hồ Doanh tới. Bà khẩn thiết nói với năm vị đại thần rằng: “Các khanh đều là lão thần, hoàng đế còn nhỏ, mong các khanh cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng xã tắc ổn định”. Trương thái hậu đã coi năm vị lão thần này là trọng tâm của sách lược chính trị. Tới cuối đời Trương thái hậu, quốc lực triều Minh đạt tới độ toàn thịnh.

Comment ngay nếu có gì thắc mắc về Quẻ Địa Phong Thăng để nhận giải đáp trực tiếp từ Ad nhé !!!

(Series bài viết Hướng dẫn tự học Kinh Dịch Tại chuyên mục Giáo Dục dành cho Newbie được viết bởi Phú Hà

Để trở về trang chủ mời quý khách Click Tại Đây)